Học sinh không mặn mà học nghề
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực.
Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy: trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc thì 73,9% không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, 6,8% qua dạy nghề, 4,1% trình độ trung cấp, 3,5% trình độ cao đẳng và 11,7% trình độ đại học. Có đến khoảng 3/4 lực lượng lao động không có chuyên môn kỹ thuật, nên chỉ đóng vai trò của lao động giản đơn. 6,8% lao động qua dạy nghề với thời gian đào tạo dưới 1 năm. Như vậy, hơn 80% lao động có trình độ dưới chuẩn. Theo kinh nghiệm thế giới, phù hợp với nền kinh tế như Việt Nam hiện nay, nhân lực cơ bản tức là lao động trực tiếp có trình độ học vấn đạt cấp độ 3 của ISCED2011 (trung học nghề) và tay nghề ở bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam phải chiếm tỉ lệ trên 50%, để bảo đảm cho cấu trúc lao động có dạng hình tháp. Để có được cấu trúc lao động như vậy, tại nhiều quốc gia đã thực hiện việc phân luồng triệt để học sinh sau trung học cơ sở. Còn ở Việt Nam, cho tới nay lao động trình độ trung cấp (mặc dù còn chưa đạt cấp độ 3 của ISCED-2011) chỉ chiếm 4,1% và cũng chỉ được đào tạo tại trên 400 trường trung cấp nghề (so với 2.400 trường trung học phổ thông) với một tỷ lệ học sinh rất khiêm tốn, khoảng vài %. TS. Lê Viết Khuyến bày tỏ: “Muốn phát triển nền kinh tế đất nước, Việt Nam không phải chỉ cần có các nhà khoa học, các giáo viên, kỹ sư, các nhà kinh doanh, nhà quản lý... mà còn phải có đội ngũ đông đảo các công nhân, kỹ thuật viên lành nghề, các nhà công nghệ, nghĩa là cần phải có một đội ngũ nhân lực phong phú, thạo việc và đồng bộ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Chất lượng của nguồn nhân lực đào tạo nếu chưa đạt chuẩn cũng như cơ cấu đội ngũ nhân lực còn rất bất hợp lý, thiếu đồng bộ sẽ làm cho GDP và năng suất lao động trung bình của lao động Việt Nam bị thua kém nhiều lần so với thế giới và khu vực”.
Theo TS. Lê Viết Khuyến, nếu nhìn thẳng vào thực tế thì chúng ta chưa thực hiện được phân luồng học sinh sau trung học cơ sở. Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị, học sinh hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học vào trung học cơ sở đạt 94,3%, học sinh hoàn thành Chương trình giáo dục trung học cơ sở đạt 90,7% và phần lớn các tỉnh/thành đều có hơn 70% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông, thậm chí có địa phương hơn 80%. Nhìn vào số liệu trên có thể thấy, chủ yếu học sinh đổ xô vào trung học phổ thông, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề và trung cấp còn rất thấp.
Tại Dự thảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 có 70 - 80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trung học phổ thông. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao học sinh lại chọn hướng học lên trung học phổ thông mà không vào trung cấp nghề? Bởi người học đã thấy rõ, việc rẽ nhánh học sinh sau trung học cơ sở để đi vào trung cấp nghề là lối đi chưa thực tế, khi thời gian đào tạo 1 - 2 năm, chủ yếu là dạy nghề, thì sau khi tốt nghiệp, người học còn chưa đủ tuổi lao động. Chưa kể, nếu tốt nghiệp trung cấp nghề, người học cũng không thể học liên thông lên trình độ cao hơn, cho dù là trình độ cao đẳng. Vì muốn học lên cao đẳng còn cần phải có cả bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông, chưa nói tới học lên trình độ đại học. Do đó, xu hướng chung, như từ trước đến nay, sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, người học đều cố đi vào trung học phổ thông. Còn theo luồng trung học phổ thông, nội dung của chương trình học trước đây cũng như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang triển khai, còn chưa thật sự thể hiện đúng tính chất “định hướng nghề nghiệp” như đã nêu ở phần mục tiêu của chương trình mà chỉ mang đặc trưng “phân ban hướng nghiệp”. Do đó, nếu sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông mà người học (phần đông) gia nhập ngay thị trường lao động thì họ sẽ gần như “trắng” về chuyên môn kỹ thuật.
“Và hiển nhiên, khi tốt nghiệp rồi gia nhập thị trường lao động, các em cũng chỉ làm được vai trò của lao động giản đơn, ngay cả khi đi xuất khẩu lao động. Chính số lượng này làm cho tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo tăng cao. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, trong khi tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng của Việt Nam so với các nước vẫn còn rất thấp. Chính vì chúng ta chưa làm tốt công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, để học sinh đua nhau học lên trung học phổ thông, nhưng rồi lại một số lượng lớn không theo học cao đẳng, đại học mà gia nhập ngay thị trường lao động, trở thành lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Như vậy là nhiệm vụ đào tạo để có cơ cấu lao động phù hợp chúng ta chưa làm được và chúng ta đang lãng phí nguồn nhân lực vốn rất tiềm năng của đất nước” - Tiến sĩ Khuyến phân tích.
Cần tháo gỡ những vướng mắc
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho biết, dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và nhiều quốc gia khác thuộc khu vực Đông Á và Đông Nam Á, vừa qua Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng và Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm luồng trung học hướng nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 với những ý tưởng chính như sau: Thứ nhất, chấp nhận vẫn có phân hệ giáo dục nghề nghiệp theo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng đều thuộc bậc giáo dục nghề nghiệp. Thứ hai, bổ sung luồng trung học hướng nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông 2018, thời gian đào tạo 3 năm, chấp nhận phần nội dung bắt buộc của chương trình trung học phổ thông 2018 (6 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử, Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng - An ninh), do các trường trung học phổ thông thực hiện.
Học sinh TP Vũng Tàu tham gia chương trình tuyển sinh, hướng nghiệp sau THCS. (Ảnh minh họa: V.T) |
Thứ ba, bổ sung các môn học nghề từ chương trình trung cấp nghề (do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành) vào các nội dung tự chọn của chương trình phổ thông 2018 để mở ra cơ hội cho các trường trung học phổ thông chủ động xây dựng các “tổ hợp môn học” mang “định hướng nghề nghiệp” sâu hơn, đa dạng hơn.
Thứ tư, học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi thi tốt nghiệp chỉ phải thi 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán). Bằng trung cấp (nghề) có thể thay cho 2 môn thi tự chọn (cũng tương tự như việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép học sinh được lấy Chứng chỉ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam để thay cho kết quả môn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông).
Thứ năm, học sinh học luồng trung học phổ thông được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; học luồng trung học hướng nghiệp được cấp bằng trung học phổ thông hướng nghiệp (theo các nghề khác nhau). Cả hai loại bằng này đều có giá trị học vấn ngang nhau nên người học đều được quyền liên thông lên cao đẳng và đại học (theo các ngành đào tạo phù hợp) mà không cần phải học thêm bất cứ nội dung bổ sung nào cả. Riêng học sinh học luồng trung học hướng nghiệp khi tốt nghiệp được công nhận đạt chuẩn đầu ra của bậc 4 trung cấp tại Khung trình độ quốc gia Việt Nam, được quyền hành nghề phù hợp. Ngoài ra, cần phục hồi lại hệ cao đẳng chuyên nghiệp (đào tạo kỹ thuật viên) thuộc bậc giáo dục đại học để dạy trong các trường đại học định hướng ứng dụng do cho tới nay các trường cao đẳng vẫn chưa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ đào tạo loại nhân lực này. Nhà nước nên kiên quyết xóa bỏ tệ “ngăn sông, cấm chợ”: nếu các trường nghề hiện đã được quyền triển khai dạy khối kiến thức văn hóa trung học phổ thông thì các trường trung học phổ thông cũng được quyền dạy các chương trình trung cấp, nếu bảo đảm đủ điều kiện quy định; các trường đại học cũng phải được đào tạo các chương trình cao đẳng.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nếu như kiến nghị này được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận thì sẽ mở ra cơ hội vô cùng to lớn để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống giáo dục - đào tạo, sẽ huy động được thêm hơn 2.400 trường trung học phổ thông và gần 1.000 trung tâm giáo dục - dạy nghề mới thành lập (theo chủ trương sắp xếp lại các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm giáo dục kỹ thuật hướng nghiệp và Trung tâm dạy nghề cấp huyện) nhằm khắc phục “lỗ hổng” về nguồn “nhân lực cơ bản” và lực lượng kỹ thuật viên trong đội ngũ lao động nước ta hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kỳ vọng, khi những vướng mắc được giải quyết để sớm điều chỉnh lại cơ cấu nguồn nhân lực một cách hợp lý, vì mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội đất nước.