Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2017, ngành du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế và trên 73 triệu lượt khách nội địa với tổng doanh thu gần 510.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 29%, 18% và 28% so với năm 2016. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã đón 9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước.
Từ năm 2015 đến nay, với những tăng trưởng tích cực của nền kinh tế vĩ mô, sự phát triển nhanh chóng và có định hướng của các thành phố du lịch cũng như phát triển hạ tầng du lịch mạnh mẽ, thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng có những chuyển biến tích cực không chỉ tại các trung tâm du lịch biển trọng điểm như Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang và Phú Quốc mà còn mở rộng ra các thị trường mới nổi khác.
Cơ hội lớn để bứt phá
Trình bày tham luận tại Diễn đàn Bất động sản Du lịch Biển Việt Nam 2018, được tổ chức tại khách sạn Daewoo (Hà Nội) sáng ngày 4/8, bà Dương Thùy Dung cho rằng lĩnh vực BĐS du lịch biển Việt Nam có nhiều triển vọng để phát triển.
Bà Dung cho biết sự tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam gây ấn tượng với gần 13 triệu lượt khách quốc tế trong năm ngoái, đặc biệt một số thị trường có tỷ lệ tăng trưởng khá cao như Nha Trang (+66%), Phú Quốc (+58%), Đà Nẵng (39%), Quảng Ninh (+22%).
Cùng với đó, sự đầu tư đồng bộ của Nhà nước tại các dự án cơ sở hạ tầng đã tăng khả năng kết nối giữa các địa phương, địa điểm du lịch trong nước, từ đó góp phần phát triển ngành du lịch và BĐS tại địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bà Dung lấy ví dụ về các dự án trọng điểm đã hoàn thiện như đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, ga quốc tế sân bay Đà Nẵng, ga quốc tế sân bay Cam Ranh, hay sân bay quốc tế Vân Đồn và cao tốc Hải Phòng-Hạ Long-Vân Đồn sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
“BĐS nghỉ dưỡng tại những thị trường tiềm năng muốn tăng trưởng cần đi kèm với sự phát triển về cơ sở hạ tầng kết nối,” bà Dung nhấn mạnh.
Xét về yếu tố tự nhiên thì các địa phương ven biển đều có thể phát triển du lịch biển, nhưng hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu kém, đường biển chưa kết nối tốt, đường bộ mất khá nhiều thời gian, vậy hạ tầng đường hàng không sẽ là yếu tố quyết định đến tiềm năng của địa phương đó.
Ngoài Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc đã phát triển thì những thị trường BĐS tiềm năng như Vân Đồn, Quy Nhơn, Phan Thiết hay Phú Yên sắp tới sẽ được hưởng lợi lớn do có chính sách xây dựng mới hay mở rộng sân bay quốc tế.
Theo CBRE Việt Nam, trong danh sách 8 địa điểm giàu tiềm năng về phát triển BĐS nghỉ dưỡng thì Quy Nhơn, Thanh Hóa, Quảng Bình và Hải Phòng là những thị trường vẫn còn “dư địa” lớn để tăng trưởng trong tương lai do sở hữu đường bờ biển dài và nguồn cung phòng khách sạn 4-5 sao khá ít. Tính đến tháng 6/2018, bốn địa phương này hiện mới chỉ có tổng số 4.558 phòng khách sạn, so với tổng số 24.312 phòng tại Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc và Quảng Ninh.
Đặc biệt, các diễn giả tại hội thảo đồng quan điểm cho rằng Quảng Bình có điều kiện tự nhiên còn hoang sơ và có lợi thế lớn về hệ thống hang động độc đáo mà không có ở bất cứ địa phương nào tại Việt Nam. Trong khi lượng khách quốc tế đến Quảng Bình ngày càng gia tăng, thì hệ thống các khách sạn 4-5 sao và resort còn rất ít, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu du khách trong tương lai. Tính đến nay, mới chỉ có FLC Quang Binh Beach & Golf Resort được coi là dự án hạ tầng du lịch lớn nhất tại Quảng Bình cũng như tại khu vực miền Trung. Đây chính là điều kiện tạo đà cho sự bùng nổ của BĐS du lịch biển tại đây trong thời gian tới, các diễn giả nhận xét.
Nhìn về khả năng hấp thụ của thị trường, lãnh đạo cấp cao của CBRE Việt Nam vẫn chỉ ra tín hiệu lạc quan cho thấy tỷ lệ tiêu thụ với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng gồm căn hộ bán và khách sạn, trừ thị trường Nha Trang, đạt gần như 100%.
“Như vậy, những sản phẩm có chất lượng cao, vị trí đẹp, khả năng cho thuê tốt vẫn sẽ có tỷ lệ hấp thụ tốt trong tương lai,” bà Dung kết luận.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, dự báo trong 6 tháng cuối năm 2018 thị trường BĐS du lịch sẽ tiếp tục phát triển và hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế ổn định, gia tăng tầng lấp trung lưu trong xã hội, sự tham gia và đầu tư quy mô của các chủ đầu tư BĐS, cơ sở hạ tầng du lịch ngày càng cải thiện, và đặc biệt là những chính sách mới của Nhà nước nhằm hỗ trợ thị trường.
“Với mục tiêu của Chính phủ về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cơ hội để phát triển lĩnh vực bất động sản du lịch thời gian tới là rất lớn,” ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, cho biết.