Bất động sản du lịch Việt: Cơ hội tham gia chuỗi toàn cầu !

(PLO) -“Muốn tham gia vào chuỗi toàn cầu, chúng ta phải lựa chọn đối tác chiến lược, vừa hợp tác, vừa học hỏi và tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kĩ năng quản lý... Học hỏi tiếp nhận một cách nghiêm túc nhất, không cắt ngắn công đoạn, không “đi tắt đón đầu...”. Khi đã đủ năng lực chúng ta sẽ làm được, tất nhiên không thể một sớm một chiều! Đây là vấn đề nan giải cần phải giải quyết, nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà!” - đó là khẳng định của Chuyên gia đầu tư Trần Hòa Bình.
Chuyên gia đầu tư Trần Hòa Bình.
Chuyên gia đầu tư Trần Hòa Bình.

Thực tế cho thấy Việt Nam vẫn “chậm chạp” trong việc đổi mới để phù hợp với thị trường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay phải không thưa ông?

Tôi từng tham gia đoàn đàm phán về các hiệp định, đặc biệt là các hiệp định bảo hộ đầu tư với các nước như: Hiệp định Bảo hộ, thúc đẩy và tự do hóa đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Anh, Việt Nam - Tây Ban Nha cũng như các cuộc vận động xúc tiến và thu hút đầu tư tại nhiều quốc gia, nhất là các nước Châu Âu trong thời gian công tác tại Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những hiệp định như vậy mở đã ra rất nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực du lịch.

Tôi cho rằng “ngành công nghiệp không khói”, nếu được chú trọng thì lợi ích của ngành này sẽ mang đến cho nền kinh tế quốc dân không hề nhỏ. Hiện, đã có những kết nối giữa các công ty du lịch lữ hành của Việt Nam với các công ty của nước ngoài nhưng chưa đạt được tầm mà chúng ta mong muốn.

Được đánh giá là thị trường tiềm năng và khá sôi động, Việt Nam đang là điểm đầu tư của rất nhiều doanh nghiệp từ quốc gia khác.Trong lĩnh vực du lịch, đó là các doanh nghiệp bất động sản du lịch (BĐSDL) và nghỉ dưỡng.Điều này cũng giúp các doanh nghiệp cùng phân khúc trong nước có cơ hội phát triển hơn nhờ sự cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài?

Nói về BĐSDL, đặc biệt là phân khúc BĐS nghỉ dưỡng và du lịch từ nước ngoài, chúng ta chưa đánh giá hết được những điều cần biết về phân khúc này. Các công ty phát triển BĐSDL và nghỉ dưỡng thường có những kết cấu nhất định trong lĩnh vực này, đó là công ty quản lý BĐSDL, công ty tài chính và các công ty cung cấp dịch vụ kèm theo trong một tổ hợp.

Khi họ tham gia vào thị trường BĐSDL mà ở đây là khách sạn du lịch là họ đã nhắm tới và thậm chí là đã có mạng lưới khách hàng trên toàn thế giới đã, đang và sẽ đến chuỗi khách sạn của họ. Ta chưa làm được như vậy mà cũng chưa tham gia vào chuỗi giá trị của họ. Chính vì vậy chúng ta luôn trong thế yếu về cạnh tranh với nguồn khách hàng. 

Bất động sản nghỉ dưỡng (resort estate) lại là câu chuyện khác.Đã là khu nghỉ dưỡng thì phải đáp ứng một loạt các tiêu chí của Hiệp hội Du lịch Quốc tế, nhưng các tiêu chí này rất cao.

Khó có thể cạnh tranh được với các tập đoàn này trong khi chúng ta thiếu vốn, thiếu kĩ năng quản lý và không tham gia được vào chuỗi giá trị của họ. Muốn tham gia vào chuỗi toàn cầu, chúng ta phải lựa chọn đối tác chiến lược, vừa hợp tác, vừa học hỏi và tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kĩ năng quản lý... Học hỏi tiếp nhận một cách nghiêm túc nhất và không cắt ngắn công đoạn, không “đi tắt đón đầu”…

Đây là vấn đề nan giải không thể giải quyết “một sớm một chiều” nhưng chúng ta cần phải giải được bài toán này nếu không, sẽ thua ngay trên sân nhà!

Gần đây, các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới bất động sản du lịch nghỉ dưỡng hạng sang. Ông nhận xét gì về xu hướng này?

Theo tôi, có cả nghìn lý do để họ làm việc đó. Phải chăng họ đầu tư cho những dự án như vậy nhằm đón đầu xu hướng phát triển sắp tới hoặc đầu tư giữ chỗ để khi có cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài họ sẽ giành được cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị?

Ý kiến cá nhân của tôi có thể đúng, có thể sai nhưng trong mọi trường hợp đó là một xu hướng chúng ta cần đánh giá theo chiều hướng tích cực trong phát triển kinh tế.

Nhưng chắc chắn một phân khúc cao cấp như vậy không dễ để đầu tư?

Chắc chúng ta cũng hiểu cao cấp khác với hạng trung và càng khác so với phân khúc “bình dân”. Trong du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các dịch vụ luôn đảm bảo những đòi hỏi khắt khe nhất, từ đưa đón khách đến dịch vụ ăn ở, dịch vụ giải trí…

Nếu thiếu kiến thức chuyên sâu về những yêu cầu cốt lõi của loại hình dịch vụ hạng sang này thì không thể gọi là “Khu nghỉ dưỡng cao cấp”. Vì vậy chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này.

Vậy, tiềm năng tại phân khúc “dễ thở” hơn như phân khúc hạng trung thì thế nào, thưa ông?

Khu du lịch nghỉ dưỡng hạng trung ở Việt Nam thì lại có tiềm năng rất lớn. Cơ hội của phân khúc này có thể nhắm tới các khách hàng có nhu cầu nghỉ dưỡng phù hợp với nhu cầu cũng như thu nhập của họ, không chỉ nghỉ hè mà còn cả nghỉ đông hoặc kỳ nghỉ Giáng sinh, cho cả gia đình, cho các cặp vợ chồng thuộc tầng lớp trung lưu và không có nhu cầu lớn trong việc sử dụng các dịch vụ cao cấp. 

Ở phân khúc này chúng ta cần lưu ý đến việc xây dựng khu dưỡng lão ở các nước phát triển. Việc chăm sóc những người già tại các nước này ngày càng trở nên đắt đỏ nên xu hướng gần đây là chuyển việc chăm sóc người già sang các nước đang phát triển với chi phí rẻ hơn đang thịnh hành, đặc biệt là từ Nhật Bản và các nước Bắc Âu.

Những khu nghỉ dưỡng được lựa chọn thường là những nơi có khí hậu ôn hòa, nhiều nắng gió, không gian thanh bình, phù hợp với hoạt động của người già và không thể thiếu khu vực bệnh xá chăm sóc sức khỏe ban đầu, thuận tiện về giao thông.

Hiện, nhiều nhà đầu tư Nhật bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu vẫn đang thăm dò khả năng phát triển những khu như vậy ở Đông Nam Á. Miền Trung, Việt Nam cũng là nơi được lựa chọn nhưng không hiểu lý do gì mà họ không thực hiện hoặc chưa thực hiện. 

Cám ơn chia sẻ của ông! 

Đọc thêm