Phước và Út cùng ngụ khu phố 3, phường 3, thị xã Cai Lậy.
Theo Công an tỉnh Tiền Giang, năm 2018, cặp "vợ chồng" này có mua bán hạt điều với chị Dương Thị Thúy Kiều (ngụ ấp Nước Xoáy, xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) và bị chị Kiều nợ 41 triệu đồng. Phước và Út nhiều lần đòi nhưng chị Kiều chưa trả.
Ngày 29/10, trong lúc đón xe khách ở 1 quán ăn thuộc ấp Mỹ Hưng A, xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè thì Phước và Út phát hiện mẹ và con chị Kiều xuống xe.
Cặp đôi đã giữ mẹ và con chị Kiều lại, đồng thời thuê xe đưa đến nhà riêng của mình, rồi điện thoại yêu cầu chị Kiều đem tiền đến trả thì mới thả người thân.
Hôm sau, lúc Phước và Út đến gặp Kiều theo lời hẹn tại 1 quán cà phê ở xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy thì bị Công an huyện Cái Bè phối hợp với Công an thị xã Cai Lậy bắt giữ.
Vụ việc tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Trong giao dịch mua bán hoặc cho vay mượn tiền, nhiều người chọn cách tự thảa thuận với nhau, chủ yếu dựa vào uy tín, không có giấy tờ, công chứng.... Chính vì thế, khi bị đối phương từ chối không trả nợ thì họ không có cơ sở để kiện ra tòa. Chủ nợ dùng nhiều biện pháp để tạo áp lực buộc người thiếu nợ phải trả.
"Trường hợp này, Nguyễn Hữu Phước và Trần Thị Út đã bắt giữ mẹ con chị Kiều để tạo áp lực trả nợ. Như vậy là họ đã vi phạm pháp luật", Trung tá Nguyễn Thành Nhân, Phó Đội trưởng, Đội điều tra tổng hợp Công an huyện Cái Bè. "Đây là bài học kinh nghiệm chung cho mọi người. Trước mọi vấn đề khó khăn trong các vụ việc tương tự, cần bình tĩnh, tìm cách giải quyết sao cho hợp tình hợp lý. Nếu không tự giải quyết được thì nên đến chính quyền địa phương trình báo để được hướng dẫn".