Bắt loạt đối tượng liên quan đến vụ phá rừng pơmu tại Quảng Nam

(PLO) - Chiều 25/8, Công an tỉnh Quảng Nam công bố kết quả điều tra vụ phá rừng pơmu tại khu vực biên giới tỉnh Quảng Nam.
Bắt loạt đối tượng liên quan đến vụ phá rừng pơmu tại Quảng Nam

Hàng trăm cây Pơmu bị chặt phá

Theo đó, sau gần 2 tháng điều tra, chiều 25/8, được sự cho phép của UBND tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam đã công bố kết quả điều tra ban đầu đối với vụ án phá rừng pơ mu quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại khu vực giáp ranh, biên giới giữa tỉnh Quảng Nam với nước bạn Lào.

Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Quảng Nam, Công an tỉnh Quảng Nam đã tập trung lực lượng chỉ đạo điều tra vụ án vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng xảy ra tại tiểu khu 351, xã La Dê huyện Nam Giang (Quảng Nam).

Sau khi phối hợp các lực lượng điều tra, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 297 phách gỗ với khối lượng 31,043m3 tại khu vực gần trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang. 

Tiếp tục mở rộng phạm vi điều tra, Công an huyện Nam Giang phát hiện, thu giữ tổng số 611 phách gỗ pơ mu, 8 lóng gỗ tròn, có tổng khối lượng 47,437m3. “Xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại khu vực biên giới nhạy cảm, các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có tổ chức chặt chẽ, có sự cấu kết, móc nối, liên quan đến nhiều đối tượng ở trong và ngoài tỉnh, nên cơ quan Công an tỉnh Quảng Nam quyết định rút vụ án về Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác lập chuyên án đấu tranh”,  Đại tá Huỳnh Sông Thu, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam nói.

Cùng với các biện pháp điều tra, ngày 28/7, Cơ quan điều tra Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46 Công an tỉnh Quảng Nam) phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường và xác định có 60 cây gỗ pơ mu bị chặt hạ với khối lượng 115,412m3 gỗ nhóm IIA. Trong đó có 41 gốc cây gỗ pơ mu bị chặt phá lấy gỗ xảy ra tại khoảnh 5, 8, Tiểu khu 351, thuộc rừng phòng hộ với khối lượng 75,602m3; còn lại 19 gốc thuộc lãnh thổ Lào.

Bắt và truy nã nhiều đối tượng

Sau một thời gian, các điều tra viên, trinh sát viên PC 46, Công an huyện Nam Giang và các đơn vị nghiệp vụ đã thu thập đầy đủ chứng cứ về nhân thân, lai lịch quan hệ, hành vi vi phạm pháp luật, củng cố hồ sơ và tiến hành bắt khẩn cấp nhóm khai thác gồm: Nguyễn Văn Thắng (SN 1978, ngụ Tuyên Hóa, Quảng Bình), nhóm trưởng trực tiếp khai thác; Nguyễn Văn Sanh (SN 1982, ngụ Bố Trạch, Quảng Bình), nhóm trưởng vận chuyển; Lê Trọng Dương (SN 1968, ngụ Tuyên Hóa, Quảng Bình), nhóm phó khai thác đang lẩn trốn tại Đồng Nai; Nguyễn Văn Quang (SN 1982, ngụ Bắc Trà My, Quảng Nam) thuê các đối tượng vận chuyển gỗ, khi đối tượng đang lẩn trốn tại TP HCM.

Tiếp đến bắt nhóm cõng gỗ gồm: Nguyễn Văn Ngự (SN 1980, ngụ Bố Trạch, Quảng Bình); Nguyễn Văn Tùng (SN 1989, ngụ Bố Trạch, Quảng Bình); Nguyễn Văn Phường (SN 1984, ngụ Bố Trạch, Quảng Bình); Nguyễn Văn Tiến (SN 1984); Cao Văn Hới (SN 1992); Hoàng Văn Luận (SN 1978); Nguyễn Văn Thu (SN 1990); Hoàng Văn Sữ (SN 1981); Nguyễn Văn Danh (SN 1989); Nguyễn Văn Long (SN 1993) và Nguyễn Văn Dũng (SN 1986), các đối tượng cùng ngụ Bố Trạch, Quảng Bình.

Trong đó, có 4 đối tượng thuộc nhóm khai thác ra đầu thú gồm: Phạm Văn Bồng, Mai Văn Châu; nhóm phó nhóm chặt phá gỗ: Mai Văn Cường và Lê Hồng Diêu (cùng quê Thanh Hóa). Đặc biệt, cơ quan điều tra bắt giữ Tiêu Hồng Tư (SN 1976, ngụ Hải Châu, Đà Nẵng), là đối tượng cung cấp tiền cho các đối tượng chặt phá, khai thác khi đang lẩn trốn tại Sân bay Đà Nẵng.

“Trước diễn biến vụ việc, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố 9 bị can trực tiếp, 1 đối tượng liên quan và ra lệnh truy nã đối với 11 đối tượng liên quan đang bỏ trốn”, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam thông tin.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc 4 cán bộ Hải quan và Biên phòng đang bị đình chỉ công tác, Đại tá Nguyễn Viết Lợi cho biết,  việc đình chỉ do trách nhiệm của cơ quan chủ quản xem xét, xử lý. Đối với vấn đề có hay không sự tiếp tay của cơ quan chức năng đóng tại địa phương, Đại tá Lợi trả lời, đây là vụ việc nghiêm trọng nên ngay sau khi nhận chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã giao cho Công an tỉnh điều tra.

Bên cạnh đó Biên phòng cũng đã điều tra, làm việc, nhưng kết quả chưa nắm được. Tính đến thời điểm này, chưa có tài liệu, chứng cứ chứng minh các cơ quan này có hành vi bao che, bảo kê cho việc phá rừng có tổ chức. “Vì mới thông tin ban đầu, nên lần họp báo sau, chúng tôi sẽ cung cấp thông tin đầy đủ sau khi có đủ tài liệu chứng cứ”, ông Lợi nói.

Cũng theo Đại tá Lợi, tối 19/8, lực lượng trinh sát bắt Tiêu Hồng Tư tại Sân bay Đà Nẵng đang trên đường lẩn trốn. Đến nay, cơ quan điều tra vẫn đang khai thác và làm rõ còn liên quan đến cơ quan nào khác nữa không. Đại tá Lợi khẳng định: “Nếu Hải quan có dính dáng, chúng tôi sẽ bắt luôn chứ không chần chừ. Không cần đến khi có kết luận, ngay sau khi có đầy đủ chứng cứ, trả lời các câu hỏi đặt ra, chúng tôi sẽ công bố thông tin. Và vấn đề xin được xem đây là món nợ mà tôi phải trả cho báo chí”. 

Đọc thêm