Rừng Quốc gia BIDOUP Núi Bà bị tàn phá, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 30/1/2013, Công an huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết đang khẩn trương hoàn tất điều tra chuyển VKSND truy tố 19 lâm tặc trong vụ phá rừng pơ mu với quy mô lớn tại vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (VQG) xảy ra hồi cuối năm 2012 gây xôn xao dư luận…

Ngày 30/1/2013, Công an huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết đang khẩn trương hoàn tất điều tra chuyển VKSND truy tố 19 lâm tặc trong vụ phá rừng pơ mu với quy mô lớn tại vườn quốc gia Bidoup Núi Bà (VQG) xảy ra hồi cuối năm 2012 gây xôn xao dư luận…

Hiện trường pơ mu  bị cưa trộm. Ảnh: M.H
Hiện trường pơ mu bị cưa trộm. Ảnh: M.H

Dùng cưa máy phá rừng

VQG toạ lạc huyện Lạc Dương có diện tích tự nhiên 63.938 ha, trong đó có 56.436 ha rừng đặc dụng, 7.506 ha rừng phòng hộ. Hệ động thực vật ở đây vô cùng phong phú với khoảng 1.468 loài, trong đó có 62 loài cây quý hiếm được ghi trong “sách đỏ” cần được bảo vệ nghiêm ngặt như: pơ mu, bách xanh, đỉnh tùng...

Để giữ gìn khối tài sản quý giá nói trên, ngày 19/11/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập VQG với biên chế lên đến 100 người gồm CBCNV, hạt kiểm lâm và các phân trường. Ông Lê Văn Hương được bổ nhiệm làm Giám đốc VQG. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng phá rừng nghiêm trọng diễn ra nhưng dường như những người có trách nhiệm ở đây không hề hay biết!.

Theo điều tra, những ngày cuối tháng 11/2012 sau khi nhận được tin báo về một nhóm người  khai thác trái phép gỗ pơmu bằng cơ giới ngay giữa ban ngày tại TK 89 VQG, CA huyện Lạc Dương đã vào cuộc và xác định nhóm lâm tặc nói trên do Cao Điền (SN 1984) ở xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà cầm đầu cùng nhiều đối tượng khác cùng ở huyện Khánh Sơn đã tiến hành khai thác gỗ pơmu ở khu vực trên từ nhiều ngày trước đó.

Chiều 26/11, CA huyện Lạc Dương đã tạm giữ Cao Điền để điều tra. Cao Điền khai nhận từ ngày 24/11 đã cùng 10 lâm tặc dùng cưa máy  “làm  thịt” được 4 cây pơmu có đường kính gần 1m,  xẻ được 42 hộp gỗ vận chuyển ra khỏi hiện trường. Sáng 27/11 các cơ quan chức trách gồm CA huyện, Hạt Kiểm lâm (KL) Lạc Dương, Hạt KL VQG đã vào hiện trường khám nghiệm. Khi đến gần khu vực hiện trường, đoàn công tác phát hiện 1 nhóm lâm tặc ngang nhiên dùng cưa máy chặt hạ, xẻ gỗ pơ mu nên đã chia làm 2 mũi vây bắt.

Tại hiện trường lô a1, a2 khoảnh 5, TK 89, đoàn công tác xác định ngoài 4 cây gỗ pơmu bị nhóm của Cao Điền chặt hạ ngày 26/11 khối lượng trên 13,7m3, còn có  9 gốc pơmu nữa vừa  bị hạ  trước đó vài hôm với khối lượng ước tính 17,7m3. Số gỗ mà nhóm Cao Điền còn bỏ lại gồm 42 hộp gỗ pơmu dài từ 1,2-2,15m, rộng 25-37cm, dày 15-18cm với khối lượng 3,9m3.

Trên đường trở về, đoàn công tác bắt gặp một nhóm đối tượng khác vô tư vận chuyển gỗ pơmu ra khỏi rừng. Khi bị phát hiện nhóm này vội bỏ chạy, 1 đối tượng bị bắt giữ là Phạm Ngọc Hoà (SN 1986) trú tại thôn Cây Sung, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà. Cùng thời gian này, một mũi vây bắt quả tang 7 đối tượng là Bùi Văn Tin, Nguyễn Ngọc Tại, Trần Khắc Huy, Nguyễn Văn Phi, Đỗ Văn Cu, Nguyễn Tố Lợi và Nguyễn Thế Anh cùng trú tại huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên đang cưa trộm gỗ pơ mu tại lô a1, a4 khoảnh 4, TK 89.

Tại hiện trường có 6 cây pơ mu vừa  bị hạ với khối lượng lâm sản ước gần 13m3. Lực lượng chức năng đã thu giữ  32 hộp gỗ dài từ 1,5-2m, rộng từ 24-49cm, dày từ 9-26cm có khối lượng 3m3. Theo lời khai thì nhóm người này nhận xẻ gỗ cho một nhân vật có tên là  “ông Hai” ở xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà.

Như vậy, 2 nhóm lâm tặc nói trên đã cưa hạ 19 cây pơ mu với số lượng gỗ ước tính trên 44m3. Ngoài 19 cây pơ mu nói trên, qua kiểm tra Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng còn phát hiện có  9 cây pơ mu khác với dấu vết khai thác cũ hơn và số lượng gỗ bị thiệt hại cũng lên tới hàng chục khối.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Ngày 28/11, Công an huyện Lạc Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 9 đối tượng gồm Cao Điền, Hoà và nhóm 7 lâm tặc bị bắt quả tang khi đang khai thác gỗ pơmu. Cùng ngày, với sự giúp đỡ của Công an huyện Diên Khánh, CA huyện Lạc Dương cũng đã bắt giữ Nguyễn Lộc (SN 1979) ở Diên Lộc, Diên Khánh là cộng sự đắc lực của Cao Điền. Đối tượng có tên là “ông Hai” cũng được cơ quan chức năng làm rõ với tên thật là Trần Văn Tiến (SN 1958) ở Diên Tân, Diên Khánh, Khánh Hoà.

Tuy nhiên, Tiến đã bỏ trốn nên cơ quan CA  đã ra quyết định truy nã, mãi đến ngày 20/12 mới bắt được “ông Hai”. Ngày 12/12, Công an Lạc Dương đã phối hợp cùng Công an huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hoà xác minh và truy bắt số đối tượng trong nhóm của Cao Điền gồm Cao Tiền, Cao Xuyên, Cao Hát, Cao Yên, Cao Tiện, Cao Văn Nhẳm, Mâu Minh Tuội, Mấu Phạt cùng trú tại xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn.

Chi cục KL Lâm Đồng cho biết thêm: Trong tháng 12/2012 qua kiểm tra rừng bị xâm hại ở TK 89 (Lâm Đồng) đã phát hiện vùng giáp ranh với TK nói trên thuộc địa giới tỉnh Khánh Hòa có 19 cây pơ mu cổ thụ (đường kính khoảng 1,3m) bị chặt hạ, trong đó 17 cây đã bị cắt khúc (chiều dài 2m), xẻ thành hộp bằng cưa máy và đã vận chuyển gỗ ra khỏi hiện trường, 1 cây còn nguyên chưa kịp “xẻ thịt”. Theo nhận định của cơ quan chức năng, số lượng cây pơ mu bị cưa hạ có thể còn cao hơn con số vừa phát hiện.

Từ đó, dư luận đặt vấn đề cơ quan pháp luật cần làm rõ trách nhiệm của các chủ rừng, Ban quản lý VQG và nhân viên KL. Có hay không việc “bắt tay”, làm ngơ của những người được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng với lâm tặc để rừng bị tàn phá một cách nghiêm trọng như vậy?. PLVN sẽ theo dõi và thông tin kịp thời đến bạn đọc.

Phúc Ân

Đọc thêm