Kết quả cuộc khảo sát nhỏ trong khuôn khổ cuộc Tọa đàm “Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018” tổ chức trong những ngày đầu năm mới 2018 cho thấy có 15% người được hỏi chọn phương án GDP năm nay tăng dưới 6,7%. Tỷ lệ này cũng bằng với tỷ lệ chọn phương án tăng 6,7%. Thế nhưng có đến 50% người được hỏi chọn phương án GDP tăng 6,7- 7%. Đặc biệt có đến 25% chọn phương án GDP tăng trên 7%.
PLVN xin giới thiệu nhận định của các chuyên gia về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm mới.
PGS.TS Trần Đình Thiên |
* PGS.TS Trần Đình Thiên: Không “say sưa với thắng lợi”
Bình luận về kết quả khảo sát dự báo GDP năm 2018, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng kết quả này phản ánh sự lạc quan của mọi người. Ông cho biết cũng chọn phương án 4.
Mặc dù ghi nhận những thành tích của nền kinh tế trong năm 2017 khi GDP tăng cao nhất trong 8 - 9 năm trở lại đây, trong đó GDP quý III có sự nhảy vọt, số doanh nghiệp (DN) cũng ở mức cao kỷ lục, song chuyên gia này cho rằng việc nếu dùng từ “kỳ tích 2017” thì dường như chúng ta “hơi say sưa với thắng lợi”. “Tôi cho rằng ở khía cạnh kinh tế nên đánh giá bình tĩnh hơn”, lời Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Dự đoán GDP năm 2018 tăng trưởng trên 7%, chuyên gia này lưu ý, vấn đề đáng quan tâm là chất lượng, từ chất lượng của các con số và chất lượng của cơ cấu.
Theo ông Thiên, có vài điểm về mặt chính sách sẽ cần đẩy mạnh trong 2018 như bàn lại Luật Đặc khu kinh tế để ban hành, cần có các nghị quyết giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh cổ phần hoá DN nhà nước, sở hữu chéo ngân hàng, đổi mới thể chế cơ chế…
Ông Thiên lưu ý: “Cơ chế tăng trưởng, cơ cấu ngành, vùng còn chưa thay đổi. DN trong nước còn yếu. Kinh tế tư nhân tăng nhiều nhưng nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Ngành tài chính ngân hàng, thị trường chứng khoán bùng lên nhưng nền tảng cấu trúc tài chính ngân hàng còn yếu. Đó là thách thức lớn cho 2018…”.
Chuyên gia Đặng Huy Đông |
* Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: “Môi trường kinh doanh lành mạch, minh bạch”
Lý giải cho sự tăng trưởng bứt phá của GDP 2017, Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông Đặng Huy Đông cho rằng nền kinh tế có động lực lớn do bộ máy chính trị đã đang thực hiện đúng những cam kết, trong đó cam kết quan trọng là xây dựng môi trường kinh doanh lành mạch, minh bạch, chống tham nhũng. "Như vậy có thể nói động lực lớn nhất là đến từ niềm tin”, ông Đông nói. "Một mặt tôi cũng chấp nhận cảnh báo là không nên ru ngủ. Nhưng khi các con số thống kê là xác thực thì ta phải tự tin để tiếp tục”, ông Đông bày tỏ quan điểm. Ông cũng cho rằng chính phủ kiến tạo cần tiếp tục kiểm soát vấn đề chi phí, kết cấu hạ tầng để thay đổi chi phí logistics.
"Cá nhân tôi nhận định rằng đây là thời điểm chúng ta đưa nền kinh tế tăng tốc. Những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8 - 9%. Và Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8 - 9% trong 10 năm”, chuyên gia này nhận định.
GS Nguyễn Mại |
* Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE): “Cần tăng cường năng lực phản ứng”
“Đúng là trong suốt năm 2017, chúng ta đã cố gắng và từ tháng 6/2017, tình hình sáng dần. Đến cuối năm đã vượt mục tiêu đặt ra…”, ông Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE phát biểu.
Về triển vọng kinh tế Việt Nam 2018, ông Mại dẫn chứng một loạt số liệu như: Khảo sát về khả năng đầu tư của DN Nhật Bản vào Việt Nam, trong đó có 25% số DN mở rộng đầu tư kinh doanh vào năm 2018; Số liệu khảo sát DN của Trung tâm dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) với con số 62,5% DN sử dụng máy móc thiết bị sản xuất từ 10 năm gần đây, trong đó có 32% DN sử dụng máy móc từ năm 2011-2016. Đặc biệt tình hình giao dịch thị trường chứng khoán trong những ngày đầu năm 2018 khi chỉ số VN Index vượt mốc 1.000 điểm; hay đầu tư FDI trong năm 2017 cán mốc 35 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 6 tỷ USD mua bán và sáp nhập…
Chủ tịch VAFIE nhận định, năm 2018 vừa mang tới cơ hội nhưng cũng có thách thức không hề nhỏ đối với Việt Nam: “Do vậy, không ai có thể dự báo được diễn biến thị trường. Thế nên khi hội nhập sâu rộng vào thế giới cần tăng cường năng lực phản ứng, để đủ sức để đối phó với bất kỳ tình huống nào”.
TS Lê Xuân Nghĩa |
* TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát quốc gia: Triển vọng sáng sủa hơn trong năm 2018
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, năm 2017 là năm thành công của tài chính, bao gồm các ngành ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm; nhất là khu vực ngân hàng. “Thành công của chính sách tiền tệ là hành động thực thi chính sách tốt. Lâu nay, ở Việt Nam chính sách cũng tốt nhưng hành động thực thi chính sách không phải khi nào cũng tốt”, ông nhận định.
Lòng tin vào hệ thống ngân hàng được cải thiện, các xếp hạng về ngân hàng được thay đổi theo hướng tích cực. Triển vọng xếp hạng của Việt Nam được chuyển từ “tiêu cực” sang “ổn định" và nay là triển vọng “ổn định tích cực”. Nợ xấu giảm từ 17% (2014), xuống 12% (2016) và 9,4% (2017). “Đây là những tiến bộ đáng kể do nền tảng tài chính được cải thiện tốt, bao gồm tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và khả năng sinh lời. Chỉ số sinh lời tăng gần gấp đôi lên tới 11%, có ngân hàng vượt mức 14 - 15%, đạt mức trung bình khá của khu vực Đông Nam Á”, ông Nghĩa nói. Cùng với đó, công cuộc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và toàn hệ thống nói chung đạt kết quả bước đầu và tạo lòng tin nhất định, tạo triển vọng sáng sủa hơn trong năm 2018.
“Năm 2018 vẫn duy trì được sự ổn định và có thể cải thiện các mục tiêu dài hạn. Với tăng trưởng kinh tế, chu kỳ tăng trưởng ngắn hạn sẽ kết thúc trong quý III/2018 và sau quý III sẽ vào chu kỳ giảm tăng trưởng ngắn hạn”, chuyên gia này nhận định.