Bất ngờ xét tuyển ĐH 2017: Trúng tuyển… không chịu học

(PLO) - Từ ngày 13/8 đến hết ngày 15/9, các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 xét tuyển đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2017 tiếp tục thực hiện việc đăng ký xét tuyển đợt 2. Điều bất ngờ là, trái với số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 khá cao, nhưng chỉ có 64% thí sinh làm thủ tục xác nhận nhập học. Nhiều trường ĐH tốp đầu cũng phải gọi thí sinh NV2. Thí sinh năm nay đã không còn tâm lý mọi giá vào ĐH hay còn nguyên nhân khác?
Thí sinh cần được định hướng nghề sớm (Ảnh minh họa)
Thí sinh cần được định hướng nghề sớm (Ảnh minh họa)

Thí sinh “bỏ rơi”… đại học

Kết thúc xét tuyển NV1, nhiều trường ĐH bất ngờ vì tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học thấp hơn nhiều so với dự kiến. Theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm nay, cả nước có 640.425 thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH và CĐ sư phạm trên tổng chỉ tiêu tuyển là 446.626 (có 352.174 xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia; 93.452 xét học bạ). Tính đến 18 giờ ngày 8/8 (thời điểm cuối cùng thí sinh xác nhận việc trúng tuyển) đã có hơn 242.000 thí sinh xác nhận nhập học, đạt tỷ lệ 64% trên tổng số thí sinh trúng tuyển. Theo đó, thống kê cụ thể theo nhóm trường như sau: có 57 trường tỉ lệ nhập học từ 90% trở lên; có 74 trường tỉ lệ nhập học từ 70% đến cận 90%; có 65 trường tỉ lệ nhập học từ 50% đến cận 70%.  Tính đến chiều 12/8 chỉ có 5 đơn vị nhà trường đạt mức 100% thí sinh trúng tuyển làm các thủ tục xác nhận kết quả trúng tuyển. Theo quy định trong quy chế tuyển sinh năm nay, đến hết ngày 12/8, quá trình cập nhật thí sinh khẳng định nhập học sẽ kết thúc, những thí sinh không nộp hồ sơ nhập học về trường mình trúng tuyển sẽ bị coi như bỏ học, nếu không có lý do chính đáng.

PGS-TS Đỗ Văn Xê - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ chia sẻ trên facebook cá nhân: “Tổng kết số liệu cho thấy xuất hiện hiện tượng lạ quá “trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không chịu học”. Chắc các thí sinh này muốn chuyển sang học nghề cho thực tế hơn? Ban giám hiệu nhà trường đang cân nhắc phương án xét tuyển đợt 2”.

Nhiều trường khác cũng trong hoàn cảnh tương tự, dự kiến ban đầu đã tuyển đủ chỉ tiêu, nhưng không phải tất cả thí sinh trúng tuyển đều xác nhận nhập học. ĐH Công nghiệp Hà Nội chỉ tiêu là 6.700 nhưng danh sách trúng tuyển lên tới 8.365 thí sinh, vượt chỉ tiêu 26%. Tuy nhiên, tỉ lệ thí sinh đến làm thủ tục nhập học so với danh sách thí sinh trúng tuyển đạt 78,47%, còn 21,53% thí sinh dù đỗ nhưng không học, hoặc cũng có thể sau những lần lọc ảo trên phần mềm của bộ, số thí sinh ảo vẫn cao.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải bổ sung 1.370 chỉ tiêu; Trường ĐH Thủy lợi cũng tuyển bổ sung gần 1.000 sinh viên cho các mã ngành đào tạo. Theo PGS, TS Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Thủy lợi, thì số thí sinh nhập học năm nay chỉ đạt khoảng 78%, thấp hơn năm trước 17%. Chính việc không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh cũng là nhược điểm. Rất nhiều em đỗ nguyện vọng từ 3 trở đi đã không nhập học. Bởi vậy, nhiều trường tốp dưới theo đó đã thiếu chỉ tiêu nhập học, có trường chỉ đạt 18% và phải tuyển bổ sung.

Không còn vào đại học bằng mọi giá?

Về lý do thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, lãnh đạo một trường ĐH cho rằng, có thể do thí sinh đó “trượt” ở nguyện vọng 1 và trúng tuyển ở những nguyện vọng 2 hoặc 3. Vì đỗ vào trường mình không thực sự yêu thích, nên đắn đo trong việc nên nhập học hay tiếp tục ôn thi để năm sau thi lại vào ngành mình mong muốn.

Trường ĐH Giao thông vận tải hiện tại còn thiếu khoảng 300 chỉ tiêu. Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải cho biết, nhà trường gọi điện thoại cho 70 thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng các em đều trả lời không đi học với lý do, việc đăng ký xét tuyển ĐH này là vì ở trường THPT khuyến khích đăng ký. Mặc dù những ngành các em này đăng ký đều là những ngành “hot” của trường.

Tương tự Trường ĐH Xây dựng, hiện nay đã có 89% thí sinh đến nhập học, trường còn thiếu khoảng 300 sinh viên mới đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn ĐìnhThi - Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, nhà trường đã gọi điện cho từng thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển nguyện vọng 1 nhưng không đến nhập học, các em trả lời với nhiều lý do và chủ yếu nói không có nhu cầu học. Theo phân tích của nhà trường với số liệu 800 thí sinh trúng tuyển không nhập học thì có đến 65% các em nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và biên độ điểm của các em đều trên dưới 20 điểm. Nhà trường đã gọi điện đến từng em để hỏi nguyên nhân thì phần lớn trả lời các em đã đăng ký học cao đẳng, dược, công an, quân đội. Và, cũng lý do như các trường trên, các em đăng ký theo sự khuyến khích của trường THPT.

Và phải chăng phương thức xét tuyển năm nay kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia cao hơn mọi năm nên nhiều thí sinh ngộ nhận về kết quả của mình tốt đã đăng ký vào những trường tốp trên cùng. Điều này dẫn đến kết quả tuyển sinh của các trường tốp trên tốt hơn trong khi các trường tốp dưới lại khá chật vật.

Ở góc độ khác, ông Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM thì lý giải việc tách các trường CĐ trực thuộc giáo dục nghề nghiệp đã vô tình phá vỡ cấu trúc của hệ thống giáo dục nước nhà. Chúng ta không thể kiểm soát và nhận biết dòng chảy thí sinh khi phần mềm lọc ảo chỉ gói gọn cho các trường ĐH và CĐ Sư phạm. Một số trường CĐ nổi tiếng ở TP HCM tuyển sinh tốt với điểm đầu vào khá cao. Theo ông Dũng, học sinh mấy năm nay không phải cố vào ĐH bằng mọi giá và cũng dần ý thức được rằng học ở trường CĐ tốt còn hơn học trong một ĐH tồi.

Trước những lo lắng về việc khi các trường thiếu thí sinh sẽ “vơ bèo, vạt tép”, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT cần siết chặt hơn việc đăng ký nguyện vọng trong các năm tiếp theo; cần phải có những giải pháp mang tính kỹ thuật để tiến hành sàng lọc thí sinh ngay từ ban đầu khi thí sinh đăng ký dự thi; tránh hiện tượng cả thí sinh xét tuyển học bạ, thí sinh đi du học cũng đăng ký xét tuyển dẫn đến còn tồn tại lượng thí sinh ảo. Công tác thông tin trong tuyển sinh cần thực hiện rộng rãi hơn cùng với việc làm tốt công tác hướng nghiệp từ phổ thông. Bởi thực tế, trong các ngày hội tuyển sinh, phần lớn các em đều không hiểu rõ ngành mình đăng kí có đặc thù ra sao, ra trường sẽ làm gì? Vậy nên các em từ chối cơ hội nguyện vọng 1 của mình ở những trường hàng đầu cũng là điều dễ hiểu… 

Đọc thêm