Hàng loạt danh xưng “bất hủ”
Hàng loạt tấm thiệp mời của chương trình “Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” gửi tới những người đẹp có danh xưng rất… kêu như: “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam”, “Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam”. Các danh xưng này đã nhận không ít “gạch đá” của dư luận.
Ngay khi có danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” của Hiền Ngân, dư luận cũng “choáng váng” khi “cô đồng” này có trong tay những giải thưởng “nổ” không kém: Bảng vàng Tâm tài đất Việt vì sự phát triển của cộng đồng; Danh hiệu trái tim vàng vì cộng đồng; hãng phim Mỹ (không hiểu là hãng phim Mỹ nào?) bình chọn là cô hầu đồng đẹp nhất để quảng bá Hầu đồng Việt Nam đi khắp thế giới… Sắp tới, Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh Việt Nam còn góp mặt ở hàng ghế giám khảo để tìm ra gương mặt Nữ hoàng Nhan sắc Quốc tế xứng đáng nhất.
Về danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” lạ lùng, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa không khỏi “sốc” bởi văn hóa tâm linh đâu phải dễ bỡn cợt, dễ phong tặng bừa bãi. Ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn cho hay: “Bản thân tôi chưa bao giờ nghe hay thấy danh hiệu nào là Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”.
Việc danh xưng lạ lùng ấy như “giọt nước làm tràn ly” về sự hỗn loạn, bát nháo danh xưng trong giới showbiz Việt. Hơn chục năm trở lại đây, dư luận quá “bội thực” về những “Ông hoàng”, “Bà chúa”, “Thánh”, “Hoàng Tử”, “Công chúa”… tự phong. Ví như: “Nữ hoàng Bikini” Ngọc Trinh, “Nữ hoàng phòng trà” Lệ Quyên, “Nữ hoàng dao kéo” Phi Thanh Vân, “Mỹ nữ vạn người mê” Hạ Vi, “Nữ hoàng chuyển giới” Lâm Khánh Thi, “Hoa hậu quốc dân” Phạm Hương…
Gameshow nở rộ và những cuộc thi tìm kiếm tài năng trên các lĩnh vực nghệ thuật xuất hiện với tuần suất dày đặc trên các sóng truyền hình. Ngồi trên hàng ghế giám khảo, các nghệ sỹ đã “lạm ngôn” với những lời khen “có cánh” cho để “đôn” các thí sinh như: “Thánh nữ”, “Nam thần”… Các danh hiệu như “Thần đồng”, “Thiên tài”, “Thánh nữ”, “Nam thần” “Hoàng tử”, “Công chúa”… được sử dụng khá phổ biến. Đó còn chưa kể tới, “hàng rổ” các “Nữ hoàng”, “Nam vương” qua trăm cuộc thi sắc đẹp “vườn - ao - chuồng”.
Khi được hỏi từ đâu có danh xưng “nổ tung trời” ấy, những chủ sở hữu ấy đều ỡm ờ cho rằng đó là do truyền thông, những fan dành tặng và mặc nhiên nghĩ danh xưng ấy hợp với mình. Có không ít người tự thuê fan để viết những băng-rôn, treo poster rồi đồng thanh hô vang những danh xưng “ảo diệu” ấy trong các sự kiện để công chúng, truyền thông quan tâm, chụp ảnh, quay clip tung lên mạng, truyền thông. Khi dư luận đã nghe “quen tai” danh xưng ấy, họ lấy đó để “thổi” giá gấp đôi hay hàng chục lần để đi dự sự kiện, đi diễn, hát hò, nhảy múa trên sân khấu, uốn éo trên catwalk…
Vòng 1 xập xệ nhưng Ngọc Trinh (phải) vẫn điềm nhiên dùng danh xưng “Nữ hoàng Bikini” |
Danh xưng ảo “ô nhiễm” không khí showbiz
Đếm sơ sơ, showbiz Việt có hơn trăm: “Ông hoàng”, “Nữ hoàng”, “Thánh nữ”, “Nam thần”, “Hoàng Tử”, “Công chúa”, “Thần đồng”, “Thiên tài”… tự phong. Danh xưng hão ấy nhiều khi còn được gắn với tên người đó trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có không ít người chế giễu: “Nhiều “Ông hoàng”, “Nữ hoàng”, “Thánh nữ”, “Nam thần”, “Thần đồng”, “Thiên tài”… thế này, nếu tính tổng số lượng ông hoàng, bà hoàng… của cả showbiz Thế giới cũng không bằng showbiz Việt!”.
Có thể thấy, danh xưng nghệ sỹ ở Việt Nam quá dễ dãi và ai cũng có thể khoác lên mình tấm áo “long lanh” dù chẳng có hoạt động nghệ thuật nào đáng chú ý. Chỉ cần xuất hiện theo kiểu “lướt sóng” ở một chương trình truyền hình thực tế nào đó, nhân viên trông xe đạp, bảo kê nhà hàng cũng có thể xuất hiện trên tấm poster chương trình ca nhạc với danh xưng “Thần đồng”, “Thiên tài”, “Thánh nữ”, “Nam thần”…
Thậm chí, MC trên truyền hình cũng “quen miệng” giới thiệu họ cùng danh xưng ảo như “chuẩn không cần chỉnh”. Bi hài hơn, chỉ cần một vài bức ảnh, phát ngôn gây sốc, video clip lố lăng, nhảm nhí, phản cảm… những người như: Tùng Sơn, Lệ Rơi, Bà Tưng, Kenny Sang, Quân Kun, Khá Bảnh cũng ngang nhiên khoác lên mình danh xưng nghệ sỹ, ca sĩ để bước chân vào showbiz hênh hoang về quyền lực và kiếm tiền mà không biết xấu hổ.
Hiện tại Việt Nam, Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân và Nghệ sĩ ưu tú dành cho những cá nhân phẩm chất tốt và có những đóng góp đặc biệt cho nghệ thuật Việt Nam. Nghệ sĩ nhân dân là danh hiệu cao nhất mà một số nhà nước trao tặng cho nghệ sĩ.
Theo Điều 8 Nghị định 89/2014/NĐ-CP ngày 29/09/2014 của Chính phủ, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân dành cho những cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; đơn vị nghệ thuật tự do như sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên; Đã được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú và có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.
Còn theo Điều 9 của Nghị định này, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú dành cho những cá nhân hoạt động nghệ thuật tại các đơn vị nghệ thuật cơ sở; đơn vị nghệ thuật tự do như sau: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 10 năm trở lên; Có ít nhất 2 Giải Vàng quốc gia hoặc 1 Giải Vàng quốc gia và 2 Giải Bạc quốc gia.
Chiểu theo những danh hiệu do nhà nước trao tặng, không hề có cái gọi là danh xưng: “Ông hoàng”, “Nữ hoàng”, “Ông vua”, “Bà chúa”, “Thần”, “Thánh”, “Hoàng tử”, “Công chúa”… trong nghệ thuật. Tất cả những danh xưng ấy chỉ đủ hiểu đó là danh xưng “lậu” của một cá nhân, hay cộng đồng nhỏ tự “thổi” cho… “sang mồm”!
Việc loạn danh xưng ấy đã biến showbiz không khác “chợ giời” khi họ đua nhau bỏ tiền mua, kiếm chác hư danh. Hàng trăm ca sĩ đến tới diễn viên, người mẫu mang mác: “Ông hoàng”, “Nữ hoàng”, “Hoàng Tử”, “Công chúa”, … “quậy phá” tưng bừng trong khi sản phẩm nghệ thuật của họ lại mờ nhạt, rẻ rúng. Hàng trăm danh xưng kêu như chuông rầm rập “đổ bộ” vào showbiz mà âm nhạc, thời trang, phim ảnh Việt lại xếp thứ hạng đáy khu vực và thế giới. Nực cười thay! Hư danh làm cho không khí showbiz Việt nhiễm độc. Chúng chẳng khác mối mọt dần làm mục rỗng nghệ thuật Việt.
TS Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: “Cái trào lưu “mơ thành ông hoàng, bà chúa” đang bùng phát khó cưỡng. Cơ quan chức năng nên có chiến lược để ngăn chặn nó bằng các quy định mang tính pháp lý. Không nên để nó tự phát muôn hình vạn trạng rồi phải chạy theo gỡ rối. Và nếu có ai đó ban cho phép màu để thực hiện điều ước: Nếu không ngăn được nạn dư thừa “ông hoàng, bà chúa” thì hãy cho xuất hiện nhiều ông hoàng bà chúa chống tham nhũng, lãng phí, ông hoàng bà chúa môi trường xanh, ông hoàng, bà chúa việc tử tế, ông hoàng bà chúa… nói thật và làm thật để xã hội được bình an!”