Vấn đề được bàn thảo tại Tọa đàm “Thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển” diễn ra hôm 28/8.
Chất lượng mơ hồ
Theo TS Phạm Văn Nhạ - Giám đốc Trung tâm đấu tranh sinh học (Viện Bảo vệ thực phẩm – Bộ NN&PTNT), hiện đang có nhiều cách gọi khác nhau về sản phẩm đông trùng hạ thảo. Trong đó phổ biến là “đông trùng hạ thảo” (Việt Nam, Hàn Quốc), “nhộng trùng thảo” (Trung Quốc) và “bông tuyết” (Nhật Bản). Liên quan đến yếu tố dinh dưỡng, TS Nhạ cho biết, hiện hoạt động khai thác đông trùng hạ thảo đang có 2 nguồn đó là tự nhiên và nuôi cấy.
“Khó có thể so sánh về chất lượng của hai nguồn này, bởi chất dược dưỡng trong đông trùng hạ thảo phụ thuộc rất nhiều vào cách sơ chế và bảo quản sản phẩm. Cụ thể, sau khi thu hoạch, cách sơ chế nếu không đảm bảo ở nhiệt độ -50oC hoặc cách bảo quản không đúng chỉ cần sau 2 tháng các loại dược chất sẽ mất hết…”- TS Nhạ cho hay.
Lý giải về cái tên “đông trùng hạ thảo”, Phó Cục trưởng - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Lê Văn Giang cho rằng, theo dân gian, mùa đông là con trùng ngọ nguậy (đông trùng) còn mùa hè là cây nấm mọc ra quanh thân cây (hạ thảo). Theo ông, Việt Nam hiện có nhiều cơ sở nuôi dạng nấm hoàn toàn nhưng không có nhộng trùng đó mà chỉ đơn thuần là nấm.
Về công bố sản phẩm, bao giờ cũng có phiếu kiểm nghiệm đánh giá hàm lượng adenosin và cordycepin để đánh giá sản phẩm đó có cái để mà gọi là đông trùng hạ thảo hay không, có bao nhiêu thì được gọi là đông trùng hạ thảo? “Tuy nhiên, câu chuyện xác định đó hiện còn gặp khó khăn. Vì Việt Nam hiện chưa có quy định về hàm lượng nhộng trùng. Có ý kiến là 1% với những nguyên nhân xuất phát từ vùng trồng. Tuy nhiên, chúng tôi tham khảo tiêu chuẩn của Trung Quốc lại cho là nhỏ hơn 10 lần. Do đó, có sự khác biệt trong xác định hàm lượng giữa Việt Nam và các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc”- ông Giang phát biểu.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Việt Nam hiện chưa có quy định có tính chất pháp lý về hàm lượng nhộng trùng nên chưa đủ cơ sở xác định từng loại sản phẩm thế nào là đông trùng hạ thảo. Ông Giang đề nghị: “Việc dựa vào chỉ số adenosin cũng có thể bị lẫn với các loại nấm tại Việt Nam. Do đó, cần có sự phân biệt đông trùng hạ thảo loại A, loại B để phân biệt hàm lượng trong từng loại để đưa ra cái tên cho đông trùng hạ thảo…”.
Giá “trên trời, dưới đất”…
Theo thống kê của các nhà khoa học hiện có hơn 500 loài đông trùng hạ thảo, có loài được xếp loại chất lượng, nhưng có loại không có nhiều hàm lượng dinh dưỡng... Cũng như chất lượng, giá cả cũng là mê trận đối với người tiêu dùng. Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Giám đốc CTCP Dược thảo Thiên Phúc, hiện có sự chênh lệch giá cả rất lớn giữa đông trùng hạ thảo tự nhiên và đông trùng hạ thảo đang nuôi ở Việt Nam. Nguyên nhân do đông trùng hạ thảo tự nhiên Cordyceps sinensis là loài đặc biệt, được khai thác trên loài sâu 8 chân, chỉ có ở tự nhiên, muốn nuôi, muốn khai thác thêm cũng không được. Do hiếm nên giá thành rất cao. Trong khi đó, chủng Cordyceps militaris có thể nuôi trồng được tại Việt Nam, chất lượng không thấp hơn, nhưng do nuôi trồng được giá lại thấp hơn.
Theo GS.TS. Phạm Hưng Củng - nguyên Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế), nói đến đông trùng hạ thảo, phần lớn quan niệm hiện nay cho rằng, đông trùng hạ thảo có nguồn gốc là từ Tây Tạng (Trung Quốc) mới tốt và giá cũng rất cao, dao động từ 1-2 tỷ đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế, trong thời gian qua, không ít sản phẩm nhập khẩu nhưng khi kiểm nghiệm thì chất lượng dược dưỡng cũng không cao.
Không chỉ đông trùng hạ thảo nhập khẩu mà ngay sản phẩm nuôi trồng tại Việt Nam cũng “đánh đố” người tiêu dùng. Trong khi có nơi bán từ 10- 20 triệu đồng/kg thì có DN chỉ rao bán 3,5 triệu đồng/kg. Bên cạnh đó, hàm lượng cao bất thường trong sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng cho thấy thị trường phát triển còn khá lộn xộn.
Theo TS. Phạm Văn Nhạ, hiện DN có thể lựa chọn được chủng nấm tốt, tuy nhiên quá trình nuôi cấy, môi trường không tốt thì sản phẩm chất lượng cuối cùng cũng không thể tốt. “Hiện nay trên thị trường vẫn tồn tại song song hai loại sản phẩm đông trùng hạ thảo, đó là thật và giả. Để xảy ra tình trạng này chính là do một nhóm DN kinh doanh sản xuất không có lương tâm khi sử dụng chất tổng hợp trong quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi kiểm nghiệm chất lượng, chỉ số về thành phần tinh chất chính có thể lên tới hơn 10mg thì chứng tỏ sản phẩm đó có vấn đề…” - TS Nhạ khẳng định.
Cùng với đó, theo bác sĩ Hà Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH thảo dược Tam Đảo, việc thiếu chính sách để DN cung ứng sản phẩm chất lượng cùng chế tài quản lý đang khiến cho việc kiểm soát thị trường đông trùng hạ thảo đang rơi vào tình trạng khó khăn. “Thị trường đông trùng hạ thảo Việt Nam hiện nay có nhiều hàng kém chất lượng, tôi không muốn nói là giả, người tiêu dùng cần lựa chọn các DN sản xuất có địa chỉ rõ ràng, có giấy phép, có uy tín trên thị trường để mua cho mình những sản phẩm có chất lượng...”- ông Nguyễn Phúc Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Dược Phúc Thành An Group đưa lời khuyên…