"Bắt pen" lan rộng trên TikTok: Cảnh báo nguy hiểm chết người của giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trào lưu "bắt pen" đang trở thành cơn sốt trên TikTok, thu hút hàng triệu lượt xem và chia sẻ từ giới trẻ. Theo các chuyên gia, hành động này tưởng chừng như vô hại nhưng thực chất là việc chèn ép động mạch cảnh ở cổ, tiềm ẩn nguy cơ gây thiếu máu não, đột quỵ, thậm chí tử vong. 

Nguy cơ đột quỵ, tử vong từ hành động "bắt pen"

Trong những ngày gần đây, trào lưu "bắt pen" đã trở nên phổ biến trên mạng xã hội TikTok, thu hút sự tham gia đông đảo của giới trẻ. Trào lưu này xuất hiện khi tài khoản TikTok K.T. đăng tải video mô tả chi tiết cách thức thực hiện. Hai người ngồi đối diện nhau, một người dùng ngón tay cái nhấn vào động mạch cảnh của người kia cho đến khi đối phương có dấu hiệu lịm đi. Video nhanh chóng lan truyền với hơn 3,5 triệu lượt xem và hàng nghìn bình luận, chia sẻ.

Ảnh chụp màn hình các video "bắt pen" nở rộ trên TikTok (Nguồn: Dân trí).

Ảnh chụp màn hình các video "bắt pen" nở rộ trên TikTok (Nguồn: Dân trí).

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng hành động này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Theo báo Dân trí, ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam cho biết, bản chất của trò chơi này là chèn ép động mạch cảnh, gây cản trở lưu lượng máu lên não.

“80% lượng máu cung cấp cho não được vận chuyển qua hai động mạch cảnh ở cổ. Ấn vào cổ trong vài giây có thể không nguy hiểm, nhưng nếu kéo dài, sẽ gây thiếu máu não trầm trọng.” - ThS.BS Đoàn Dư Mạnh nhấn mạnh.

Các tế bào não có thể bị tổn thương không thể phục hồi chỉ sau 5 phút thiếu máu. Hậu quả nghiêm trọng nhất có thể là đột quỵ, hoặc trong trường hợp xấu hơn, tử vong.

Ngoài ra, bác sĩ Mạnh cảnh báo những người có tiền sử bệnh lý về tim mạch hoặc huyết áp có thể gặp hậu quả nghiêm trọng hơn, tử vong ngay lập tức nếu thực hiện hành vi này. Bên cạnh đó, việc chèn ép động mạch cảnh có thể làm xuất hiện các cục máu đông (huyết khối), khi huyết khối di chuyển lên não sẽ gây ra đột quỵ.

Chia sẻ trên Vnexpress, BS Calvin Q.Trịnh, Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể HMR, cũng cho rằng đây là một “trò đùa với tử thần”. Động mạch cảnh là mạch máu chính cung cấp dinh dưỡng cho não, và khi bị chèn ép, sẽ gây thiếu máu, dẫn đến hiện tượng lơ mơ, ảo giác rất nguy hiểm. Ông cho biết nhiều bạn trẻ nhầm tưởng đây là cảm giác “phê” hoặc xả stress, nhưng thực tế đó là tình trạng thiếu oxy lên não, có thể gây nguy hại cho sức khoẻ. Sau ba phút nếu không có đủ oxy, có thể tử vong.

Cũng theo BS Calvin Q.Trịnh, cổ có một vùng "tam giác chết", nơi có chứa hai mạch máu quan trọng gọi là động mạch cảnh - mạch máu đưa chất dinh dưỡng nuôi toàn bộ não. Do đó, khi tác động mạnh có thể gây ngất xỉu ngay lập tức. Trong quá trình chèn ép vào cố, áp lực lên các mạch máu tăng khiến lượng máu lưu thông bị giảm, nguy cơ đột quỵ tăng.

Tuy nhiên, hành vi này vẫn thu hút trên các nền tảng xã hội vì cung cấp cho người xem trải nghiệm giải trí thú vị, giúp tinh thần thoải mái, thư giãn. "Sự tò mò về các thứ mới lạ đôi khi phải trả giá bằng chính tính mạng", bác sĩ nói.

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam. (Ảnh: Dân trí).

ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam. (Ảnh: Dân trí).

PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cũng cho biết cung cấp máu lên não bộ có hai hệ thống mạch máu chính, gồm hai động mạch cảnh (tuần hoàn trước), chịu trách nhiệm 70-80% nhu cầu của não bộ và động mạch sống nền (tuần hoàn sau), chịu trách nhiệm 20-30% nhu cầu máu còn lại.

Các hệ thống mạch máu phía trước, sau và hai bên được liên kết với nhau qua đa giác Willis (giống như vòng xoay giao thông) nhằm đảm bảo nhu cầu máu lên não luôn ổn định khi một bên bị sự cố. Tại hai động mạch cảnh trong đoạn cổ còn có xoang cảnh, tác động điều chỉnh nhịp tim và huyết áp. Khi ép chặt hai bên động mạch cảnh sẽ gây giảm tưới máu não nghiêm trọng (do chịu trách nhiệm 70-80% lượng máu lên não).

Nếu bỏ tay nhanh có thể gây chóng mặt, ngất, mất ý thức thoáng qua. Trường hợp nếu ép quá lâu có thể gây đột quỵ do thiếu máu. Ép cổ gây kích thích xoang cảnh, có thể làm chậm nhịp tim, và ngưng tim. “Đây là việc làm nguy hiểm cần phải ngăn chặn trên các mạng xã hội", bác sĩ Thắng nói.

Cần tỉnh tảo trên môi trường mạng

Các thử thách trên mạng xã hội luôn thu hút đông đảo thanh thiếu niên. Sự tò mò về những điều mới lạ, kết hợp với mong muốn nổi tiếng, khiến nhiều bạn trẻ dễ dàng tham gia vào các hành vi nguy hiểm. Theo Vnexpress, Mitchell Prinstein, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý Mỹ, thanh thiếu niên thường dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè cùng trang lứa, đặc biệt là trên mạng xã hội, nơi họ luôn muốn khẳng định bản thân và thu hút sự chú ý. Khi nhìn thấy bạn bè thực hiện các thử thách mà không bị tổn thương ngay lập tức, các em dễ lầm tưởng rằng chúng vô hại, từ đó dễ dàng làm theo.

Một nghiên cứu năm 2016 trên tạp chí Psychological Science cho thấy thanh thiếu niên có xu hướng hành động theo trào lưu trên mạng xã hội. Khi thấy một bức ảnh có nhiều lượt thích, các phần não liên quan đến việc bắt chước sẽ hoạt động mạnh hơn, thúc đẩy hành vi bắt chước mà không ý thức được rủi ro.

Do đó, các chuyên gia khuyến cáo gia đình và nhà trường cần tăng cường giám sát, nhắc nhở và giáo dục thanh thiếu niên trước những trào lưu nguy hiểm trên mạng xã hội. Việc trang bị kiến thức đúng đắn, kịp thời ngăn chặn các hành vi bất thường là cách duy nhất để tránh những hậu quả đau lòng có thể xảy ra. Mạng xã hội có thể là nơi giới trẻ sáng tạo và thể hiện cá nhân, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đòi hỏi sự tỉnh táo và chọn lọc thông tin.

Đọc thêm