Bất thường thương vụ góp vốn giữa Vietnam Airlines và Techcombank

(PLO) - Việc Vietnam Airlines (VNA) không công bố rộng rãi kế hoạch cổ phần hóa Vasco, thuê tư vấn định giá, đặt ra các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược để Nhà nước không lo thất thoát tài sản, trong khi doanh nghiệp lại tìm được đối tác phù hợp (như nhiều công ty con trong lĩnh vực hàng không khác đã làm khi cổ phần hóa trong 2 năm qua) khiến dư luận có quyền nghi ngờ, đặt dấu hỏi lớn.
Tàu bay của Vasco đang khai thác các chặng bay tới Côn Đảo
Tàu bay của Vasco đang khai thác các chặng bay tới Côn Đảo

Cổ phần hoá bằng hình thức lạ?

Vasco hiện là Chi nhánh của VNA và là nhà khai thác dịch vụ hàng không được Cục Hàng không Việt Nam cấp chứng chỉ khai thác tàu bay (AOC). Sau khi VNA được cổ phần hóa, Vasco đang trong quá trình chuẩn bị chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên Bay dịch vụ hàng không.

Tại Văn bản số 2336 gửi Bộ GTVT, VNA cho biết trong quá trình hoàn thiện đề án chuyển đổi, VNA nhận được đề nghị của Ngân hàng Techcombank tham gia góp vốn để trở thành cổ đông của Vasco. VNA đã tiếp nhận đề nghị này để định hướng thành lập một công ty mới theo mô hình công ty cổ phần thay cho kế hoạch chuyển đổi thành Công ty TNHH trước đó.

Theo VNA, việc tổ chức thành công ty cổ phần sẽ giúp Vasco có khả năng huy động vốn cao hơn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra thị trường và cách thức quản trị một doanh nghiệp theo mô hình công ty cổ phần sẽ chặt chẽ, hiệu quả hơn.

Trong tờ trình nói trên, qui mô vốn điều lệ của Vasco tối thiểu sẽ là 300 tỉ đồng, trong đó VNA góp 51%, Ngân hàng Techcombank (Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ kỹ thương (Techcom Capital) góp 48% và Công ty cổ phần Dự án Techcomdeveloper góp 1%. VNA góp vốn bằng các tài sản hiện có  do Vasco đang quản lý như đội tàu bay ATR 72, kho phụ tùng vật tư, động cơ dự phòng, 2 cổ đông còn lại góp bằng tiền.

Cũng theo đề án trình Bộ GTVT, VNA cho biết công ty mới sẽ có tên gọi dự kiến là Công ty CP Hàng không Vasco và đây là một “hãng hàng không mới”. Tuy nhiên, nhìn vào điều lệ hoạt động (dự kiến) và cơ cấu tổ chức, điều hành thì dễ dàng thấy rằng đội bay Vasco cơ bản vẫn như cũ, chỉ thêm cổ đông góp vốn và VNA vẫn là đơn vị nắm cổ phần chi phối (51%), quyết định định hướng phát triển của Vasco giống như hiện nay.

Nhiều nghi vấn cần được làm rõ

Nếu phương án đề xuất được chấp thuận, Công ty cổ phần Hàng không Vasco sẽ đi vào hoạt động từ quý 2/2016 với phương án kinh doanh dựa trên 5 tàu bay sẵn có, với số giờ bay trung bình cho cả 5 tàu bay đến 4 điểm bay nói trên cỡ khoảng 187 giờ bay/tàu/tháng.

Mặc dù khẳng định việc thành lập hãng hàng không Vasco là hiệu quả và cần thiết phải tiến hành song VNA lại đưa ra những số liệu kế hoạch tài chính không thực sự thuyết phục, nếu như không muốn nói là "lạ đời".

Theo đó, hãng hàng không Vasco sẽ có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỉ đồng và khai thác đội bay sẵn có, hệ thống đường bay sẵn có (lợi thế riêng chỉ khai thác được bằng tàu bay ATR 72 như Côn Đảo, Cà Mau, Kiên Giang, Điện Biên)... nhưng đề án của VNA chỉ nêu hiệu quả hoạt động của công ty này cho cả giai đoạn 2016-2018 vẻn vẹn có…1,949 tỉ đồng.

Đây là con số quá thấp mà nhà đầu tư Techcombank thừa hiểu rằng, vốn góp của họ (tối thiểu khoảng gần 150 tỷ đồng) vào công ty này, nếu đem gửi ngân hàng đã sinh ra khoản lợi nhuận lớn hơn rất nhiều lần.

Đó là chưa bàn tới việc Ngân hàng Techcombank đầu tư vào Vasco với tỷ lệ sở hữu cổ phần lên tới 49-50% cũng là vấn đề mà cơ quan phê duyệt phải xem xét đó có phải là khoản đầu tư ngoài ngành, vượt quá qui định cho phép không.

Thêm vào đó, việc thành lập hãng hàng không Vasco dưới dạng công ty cổ phần của VNA còn có dấu hiệu đáng quan ngại khi mà thương hiệu, tài sản của doanh nghiệp cổ phần không được định giá và bán công khai, minh bạch với các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo tài sản hiện hữu của Nhà nước tại Vasco (máy bay, mạng bay, thương hiệu) được sử dụng và định giá đúng mức, đồng thời chọn được nhà đầu tư phù hợp nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật INTERCODE, Hà Nội cho rằng cần phải làm rõ giá trị sổ sách của VNA sau cổ phần hóa có hay không thể hiện giá trị tài sản của Vasco.

Luật sư Nguyễn Phú Thắng
Luật sư Nguyễn Phú Thắng

“Việc dư luận lo ngại “thương vụ” thành công có thể gây thất thoát tài sản nhà nước là có cơ sở và cần phải nhận được nội dung trả lời thỏa đáng và thuyết phục. Thực tế cho thấy khi cổ phần hóa, rất nhiều tài sản của Nhà nước bị đưa vào danh mục “tài sản không cần dùng”, bị định giá thấp và sau đó được chuyển hóa theo muôn vàn cách khác nhau, đặc biệt là quyền sử dụng đất (kể cả đất đang thuê của Nhà nước), Luật sư Thắng nhận xét. 

Vẫn theo đánh giá của vị Luật sư Thắng thì có hai câu hỏi cần đặt ra và cần được giải đáp. Thứ nhất là, nếu đầu tư góp vốn không hiệu quả, rủi ro xảy ra, thậm chí có thể là mất vốn thì hậu quả của nó có ảnh hưởng đến ngân hàng mẹ hay không, khi Techcombank là ngân hàng đại chúng và hiện đang nắm giữ lượng tiền khổng lồ trong dân. Tôi muốn nói hậu quả tài chính và cả phi tài chính. Thứ hai là, tại sao một nhà băng lớn lại tham gia góp vốn vào lĩnh vực có thể nói khá rủi ro như đã xảy ra các tiền lệ trước đó và với một phương án kinh doanh vô cùng khiêm tốn về lợi nhuận. Đây là điều dư luận chưa có lời giải đáp.

Đọc thêm