Cuộc họp Sở ngành phải “giải tán” vì DN vi phạm đòi dời ngày
Dự án này có nhiều sai phạm khác như vi phạm xây dựng, để mất hàng trăm ha rừng, chủ đầu thiếu khả năng tài chính, không rõ cố “ôm” dự án làm gì. Trong KLTT 929/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chấm dứt hoạt động, thu hồi đất với dự án này.
Dù TTCP đã ra kết luận trên gần một năm nay, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái chính thức nào thực hiện nội dung này. Ghi nhận tại khu vực, nhiều cử tri đặt vấn đề với PLVN: “Người dân đã nhiều lần đề xuất thu hồi dự án Đại Ninh tại các kỳ họp HĐND, các cuộc tiếp xúc ĐBQH, vì sao kết quả vẫn chưa đi đến đâu?”; “TTCP đã chỉ ra sai phạm và đề nghị thu hồi, sao chưa thực hiện KLTT?”. Dư luận đặt ra câu hỏi có hay không sự “chống lưng”, trì hoãn thu hồi dự án sai phạm này?
Sự thật thì theo tìm hiểu của PLVN, về phía tỉnh Lâm Đồng, các cấp chính quyền, Sở ngành, đều đồng tình nhất trí phải thu hồi dự án sai phạm này. Hoàn toàn không có sự “chống lưng” nào cho sai phạm của dự án Đại Ninh từ phía Lâm Đồng.
Triển khai KLTT 929/KL-TTCP, ngày 14/8/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành kế hoạch 6865/KH-UBND. Ngày 16/9/2020, Sở KH&ĐT phối hợp các Sở ngành, UBND huyện Đức Trọng rà soát, xem xét các nội dung liên quan dự án. Thế nhưng tại cuộc họp này, DN sai phạm lại không đến dự và đề nghị dời ngày họp tại văn bản đề một ngày trước đó (15/9/2020). Cuộc họp đầy đủ đại diện các Sở ngành đành phải “giải tán” vì không có mặt “đương sự”.
Mãi gần 10 ngày sau, 25/9/2020, Sở KH&ĐT mới làm việc được với Sài Gòn Đại Ninh. Trong cuộc họp này, DN sai phạm đưa ra văn bản 09/2020/BC-SGĐN, cho rằng KLTT 929/KL-TTCP của TTCP còn “một số vấn đề”, nên muốn “trình bày ý kiến bổ sung”. Nói cách khác là muốn TTCP thanh tra lại (phúc tra).
Do đây mới chỉ là quan điểm của DN sai phạm, TTCP chưa chính thức có ý kiến, nên tỉnh Lâm Đồng vẫn triển khai các thủ tục thu hồi dự án. Từ đây, theo báo cáo của các sở ngành và huyện Đức Trọng, nhiều sai phạm của Sài Gòn Đại Ninh mới lộ diện rõ hơn nữa.
|
Đây là công trình có giá trị nhất của “siêu dự án” 25 ngàn tỷ đồng. |
Bắt mỗi nhân viên “bảo vệ”... 150 ha rừng
Theo báo cáo 489/BC-KHĐT của Sở KH&ĐT ngày 25/11/2020, suốt 10 năm 2011-2020, “siêu dự án” mà Sài Gòn Đại Ninh đăng ký số vốn hơn 25 ngàn tỷ mới xây dựng 1 hội trường diện tích 600m2, 1 hội trường thô, 15 căn “nhà chuyên gia” (thực tế theo ghi nhận của PLVN là những cái chòi xung quanh gắn kính – NV) chưa hoàn thiện, san gạt một số đường giao thông (đường đất) và một số đoạn đường rải đá cấp phối...
Thế nhưng báo cáo về vốn đầu tư, Sài Gòn Đại Ninh cho rằng “đã thực hiện 2269 tỷ đồng”, chiếm 9% tổng mức đầu tư. Ghi nhận thực tế tại hiện trường, một chuyên gia xây dựng đánh giá, số liệu chủ đầu tư đưa như trên là không thuyết phục. “Tổng số tiền bỏ vào các công trình xây dựng này, đánh giá “xông xênh” hết mức cũng không thể lên đến con số đó”, chuyên gia nhận định.
Sài Gòn Đại Ninh còn có dấu hiệu “tuồn” đất trong dự án ra ngoài. Theo báo cáo 97/BC-UBND ngày 25/3/2020 của UBND huyện Đức Trọng, thì Sài Gòn Đại Ninh đã khai thác, vận chuyển đất ra ngoài dự án chủ yếu vào ban đêm dù không có giấy phép.
Theo cơ quan chức năng Lâm Đồng, tình trạng Sài Gòn Đại Ninh để mất rừng ngày càng nghiêm trọng, năm sau nhiều hơn năm trước. Sau khi “ôm” gần 1500 ha rừng, Sài Gòn Đại Ninh mới thành lập “lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách” với 10 người, nghĩa là 1 người trông giữ... 150ha rừng. UBND huyện Đức Trọng đánh giá “lực lượng quản lý bảo vệ rừng chuyên trách” này không đủ số lượng, hoạt động chưa hiệu quả.
Năm 2018, theo báo cáo ngày 20/6/2018 của Sở NN&PTNN, trong dự án này, tổng diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm là hơn 166ha (bị phá 140ha, bị lấn chiếm gần 26ha).
Hai năm sau, con số này đã tăng lên hơn gấp đôi. Theo Kết luận 2094/KL-UBND ngày 13/4/2020 của UBND tỉnh và báo cáo ngày 25/3/2020 của UBND huyện Đức Trọng, dự án Đại Ninh để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng hơn 368ha (bị phá 257 ha, bị lấn chiếm 111 ha).
Về trật tự xây dựng, theo KLTT 929 của TTCP, thì Sài Gòn Đại Ninh vi phạm khi xây dựng hội trường không phép. Sau khi được chuyển mục đích sử dụng đất, Sài Gòn Đại Ninh không thực hiện nghĩa vụ tài chính dù được đôn đốc nhiều lần. Sở KH&ĐT nêu rõ: “UBND tỉnh nhiều lần yêu cầu khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng đến cuối năm 2018 Sài Gòn Đại Ninh vẫn chưa thực hiện”.
Về tiến độ thực hiện dự án, theo Giấy chứng nhận đầu tư, Sài Gòn Đại Ninh cam kết trong năm 20210 hoàn tất thủ tục đầu tư, nhưng thực tế đến 2014 mới hoàn tất (chậm 4 năm); cam kết giai đoạn 2015-2016 “xây dựng khu đảo dân cư, khu thể thao dã ngoại, khách sạn, resort, khu phố thương mại”... nhưng đến nay các “công trình” trên mới chỉ nằm trên các panô quảng cáo đã bạc trắng vì nắng mưa. Sở KH&ĐT khẳng định tính đến hết tháng 11/2020, dự án đã chậm tiến độ 23 tháng so với Giấy chứng nhận đầu tư...
|
Một công trình tại dự án trong tình trạng "cỏ mọc, rêu xanh". |
Lâm Đồng khẳng định cần phải thu hồi dự án vi phạm
Tổng hợp các ý kiến Sở ngành địa phương gửi về tỉnh, PLVN nhận thấy đó đều là các ý kiến phản ánh sự vi phạm của dự án Sài Gòn Đại Ninh, đề xuất báo cáo với UBND tỉnh chấm dứt hoạt động, thu hồi đất do có vi phạm pháp luật trong hàng loạt lĩnh vực, đúng như nhận định của TTCP. PLVN chưa ghi nhận được ý kiến nào tại Lâm Đồng đề nghị tiếp tục cho DN này tiếp tục “ôm” dự án.
Tổng hợp ý kiến các ban ngành, ý kiến của TTCP trong KLTT 929, Sở KH&ĐT đánh giá: 1. Sài Gòn Đại Ninh chậm tiến độ so với Giấy chứng nhận đầu tư, chậm triển khai so với từng phân kỳ đầu tư, vi phạm Luật Đầu tư; thuộc trường hợp chấm dứt hoạt động dự án theo điểm g, khoản 1, Điều 48. 2. Trong quá trình sử dụng đất để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, vi phạm Luật Đất đai: 3. Để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, vi phạm Luật Lâm nghiệp...
Sở KH&ĐT đề nghị tỉnh: Giao Sở KH&ĐT thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án Sài Gòn Đại Ninh; giao Sở TN&MT tham mưu tỉnh giải quyết các vấn đề về đất đai khi chấm dứt dự án; giao Sở NN&PTNT rà soát tài nguyên rừng, tiếp tục xác định thiệt hại tài nguyên rừng, để Sài Gòn Đại Ninh phải bồi thường; giao Sở Tài chính, Cục Thuế xác định các khoản Sài Gòn Đại Ninh còn nợ Nhà nước; giao Sở Xây dựng và UBND huyện Đức Trọng giám sát việc chấp hành của Sài Gòn Đại Ninh khi chấm dứt hoạt động dự án, xử lý sai phạm trong xây dựng của Sài Gòn Đại Ninh.
Lâm Đồng đã rất quyết liệt trong xử lý sai phạm với “siêu dự án” này. Tuy nhiên mọi chuyện đã “khựng lại” khi Cty Sài Gòn Đại Ninh có văn bản 09/2020/BC-SGĐN gửi Trung ương, cho rằng KLTT 929/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ còn “một số vấn đề”, nên muốn “trình bày ý kiến bổ sung”.
Trả lời PLVN, ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Sau khi có kết luận của TTCP, tỉnh đã nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì chủ đầu tư dự án có đơn thư phúc tra nên TTCP rà soát lại sự việc”.
PGĐ Sở KH&ĐT Hoàng Việt Lâm nói: “Quan điểm của các Sở ngành Lâm Đồng đã thể hiện rất rõ trong báo cáo 489/BC-KHĐT của Sở KH&ĐT ngày 25/11/2020. Tuy nhiên do dự án được TTCP phúc tra lại, nên thẩm quyền thuộc về TW”.
PLVN đã liên hệ với ông Nguyễn Cao Trí, TGĐ Cty Sài Gòn Đại Ninh đề nghị được sắp xếp buổi làm việc để tìm hiểu thêm thông tin về sự việc. Tuy nhiên, ông Trí từ chối gặp, cho rằng “muốn biết thông tin gì cứ liên hệ Sở KHĐT tỉnh Lâm Đồng”.
Sự thật thì trong đơn gửi TTCP và các cơ quan chức năng, Cty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh đã đưa ra những lý do gì mà trì hoãn được quá trình thu hồi dự án nhiều sai phạm này?
Mời bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Theo một LS thuộc Đoàn LS TP HCM, như báo cáo của các sở ngành địa phương và KLTT929, dự án Sài Gòn Đại Ninh không chỉ vi phạm Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp... mà còn có vi phạm pháp luật về Thuế, Luật Xây dựng, vi phạm khi khai thác đất trái phép...