Bầu cử góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

(PLO) - Sáng qua (28/4), Báo Quân đội Nhân dân phối hợp với Cục Tuyên huấn, Ban Thanh niên quân đội, Trung tâm Phát thanh và Truyền hình quân đội tổ chức Tọa đàm “Chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Bầu cử góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

PGS.TS Lê Minh Thông – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phát triển qua từng cuộc bầu cử vì gắn liền với sự trưởng thành về mặt dân chủ của chế độ, của nhân dân.

Do đó, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn – Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân - nhấn mạnh, để “chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” thông qua cuộc bầu cử lần này cần đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng ý nghĩa, mục đích của bầu cử; trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong bầu cử, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngăn chặn mọi hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử; chống lại những luận điệu xuyên tạc, phá hoại, lợi dụng bầu cử để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; cũng như nhấn mạnh đến quyền lợi và trách nhiệm của cử tri trong việc bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021.

Lâng lâng khi cầm lá phiếu của tự do

Đã 13 lần tham gia bầu cử, Trung tướng Phạm Hồng Cư – nguyên Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - đã chia sẻ những cảm xúc lần đầu tiên “cầm lá phiếu của tự do, của độc lập”. “Tôi thấy lâng lâng, hít thở bầu không khí tự do vì trước đó vài tháng còn là dân của một đất nước nô lệ. Lúc đó tôi không nghĩ nhiều đến trách nhiệm mà chỉ nghĩ rằng mình là công dân của một nước tự do là sung sướng không thể tả” - Trung tướng Phạm Hồng Cư bồi hồi nhớ lại.

Những câu chuyện bảo vệ Bác Hồ trong lần bỏ phiếu đầu tiên và các nỗ lực ngăn chặn những hành vi chống phá bầu cử của tổ chức “Việt quốc, Việt cách” được Trung tướng Phạm Hồng Cư kể đã gây xúc động và giúp các đại biểu nhận thức rằng, để được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân qua bầu cử, nhiều thế hệ đã phải trả bằng xương, bằng máu và các thế hệ sau sẽ phải giữ gìn thành quả đó bằng mọi giá, cụ thể là thực hiện thành công cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới đây.

Vì thế, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKS  Quân sự TƯ, ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV - nhấn mạnh, tham gia bầu cử là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân. Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng với tinh thần, trách nhiệm của người quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ là những cử tri mẫu mực, không những tham gia bầu cử đúng pháp luật mà còn có trách nhiệm động viên, hướng dẫn những thành viên trong gia đình mình và cử tri nơi đơn vị đóng quân tham gia bầu cử đúng pháp luật.

Chặn thông tin gây nhiễu, phá hoại bầu cử

Theo PGS.TS. Lê Minh Thông, cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp, nhiều thế lực thù địch tìm mọi cách chống phá nền dân chủ của nước thông qua việc phát tán những luận điệu xuyên tạc, phá hoại, kích động, gây rối, lợi dụng bầu cử để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, “một nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo sự thành công của cuộc bầu cử là phải đấu tranh với những chiêu trò phá hoại bầu cử trên mạng xã hội” - Trung tá Nguyễn Văn Minh, Phó trưởng Phòng Bạn đọc – Cộng tác viên Báo Quân đội nhân dân - nhận định.

Để đấu tranh làm thất bại các chiêu trò phá hoại bầu cử, Trung tá Nguyễn Văn Minh thấy cần làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về cuộc bầu cử, trước hết là tuyên truyền về những điểm mới, những nét tiến bộ trong công tác bầu cử. Tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể hơn để người dân hiểu biết về Quốc hội vai trò đại biểu Quốc hội, văn hóa nghị trường. Xử lý nghiêm các trang mạng thông tin xuyên tạc, phá hoại bầu cử. Trong đó, các cơ quan chức năng, trực tiếp là cơ quan an ninh cần sớm điều tra, làm rõ các hành vi sai phạm của các đối tượng liên quan, không để phát tán thông tin xấu, gây nhiễu và phá hoại bầu cử.

Đọc thêm