Bảy Mẫu (Hội An): Làm du lịch chụp giật, 'băm nát' rừng dừa nước

(PLO) - Để phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi giải trí cho du khách, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh thi nhau chặt phá rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) để xây dựng nhà hàng, khách sạn… 
Rừng dừa Bảy Mẫu là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Hội An
Rừng dừa Bảy Mẫu là một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Hội An

Không khó để chứng kiến cảnh rừng dừa nước này đang bị tàn phá, teo tóp mỗi ngày. Chỉ cần dạo 1 vòng xã Cẩm Thanh, cảnh chặt phá san lấp rừng dừa vẫn đang diễn ra trước mặt, không cần lén lút. Các doanh nghiệp, hộ cá thể…, chỉ cần có giấy phép kinh doanh có thể tự do xây kè chắn lấn chiếm rừng dừa, đào ao nuôi hải sản, làm biệt thự kiên cố bằng bê tông cốt thép, cắt lá dừa nước lợp nhà, làm nhà hàng, quán nhậu… Thậm chí, có đơn vị đổ đất đá xây kè chắn rồi bơm nước ngọt vào cho dừa tự chết.

Bà Nguyễn Thị Bông (45 tuổi, làm nghề chèo thuyền thúng ở thôn Thanh Tam Đông, xã Cẩm Thanh) cho biết, các công trình xây dựng thi công ầm ầm cả ngày lẫn đêm, lại thêm tàu thuyền, hàng quán mở nhạc đinh tai nhức óc suốt ngày đến nỗi chim chóc, cá tôm cũng không dám đến đây trú ngụ, sinh sản.

Trong khi đó, một Giám đốc một công ty lữ hành ở Hội An (ngụ tại Hội An) khi chứng kiến rừng dừa đang bị “băm nát” đã thốt lên: “10 năm về trước Bảy Mẫu là thiên đường xanh, bây giờ Bảy Mẫu đang trở thành cái chợ hỗn loạn. Với tình hình hiện tại, tương lai Bảy Mẫu sẽ biến mất khỏi Hội An và thay thế bằng các công trình biệt thự, khách sạn”. 

Theo vị Giám đốc này, sự tham lam ích kỷ của những người làm ăn chụp giật tức thời đã và đang giết chết Bảy Mẫu, giết chết không gian xanh của Hội An một thời. Vì một Hội An xanh, sạch, đẹp, hướng đến thành phố sinh thái, văn hóa bền vững, lãnh đạo Hội An nên có biện pháp ngăn chặn và quyết liệt mang tính bền vững hơn.

Đại diện lãnh đạo TP Hội An cho biết, rừng dừa nước Bảy Mẫu rộng 120 ha. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, thành phố đã trồng mới thêm vài chục ha. Chủ trương khai thác du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản khu vực rừng dừa Bảy Mẫu của chính quyền thành phố Hội An tạo điều kiện để cộng đồng cùng hưởng lợi. 

Doanh nghiệp xây dựng các công trình kiên cố trong rừng dừa Cẩm Thanh
Doanh nghiệp xây dựng các công trình kiên cố trong rừng dừa Cẩm Thanh

Qua thống kê, trong năm 2016 có hơn 65 nghìn lượt khách đến tham quan trải nghiệm tại khu rừng dừa, tập trung chủ yếu ở thôn Vạn Lăng và Thanh Tam Đông (xã Cẩm Thanh). Bình quân mỗi ngày đón khoảng 200 lượt khách, những ngày lễ tết số lượng khách tăng lên khoảng 1.000 lượt. Lượng khách tăng cao, hoạt động du lịch tại khu vực rừng dừa vượt tầm kiểm soát của chính quyền xã. Lượng khách gia tăng nhưng cơ sở hạ tầng còn yếu kém, người dân tham gia theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm dịch vụ, dẫn đến tình trạng bát nháo, thậm chí gây gổ vì tranh giành khách làm mất hình ảnh du lịch tại đây.

Đặc biệt, nhiều thuyền, thúng chai chở khách vào tham quan rừng dừa còn mở loa nhạc công suất lớn, gây ồn ào. Chính việc quản lý thiếu chặt chẽ nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp, hộ kinh doanh lợi dụng giấy phép được cấp tự ý cơi nới, lấn chiếm, xây dựng các công trình kiên cố bằng bê tông, cốt thép thay vì được phép mở các dịch vụ ăn uống trên mặt nước bằng các vật liệu tranh tre, lá dừa.

Trước thực trạng trên, mới đây, Sở VH-TT&DL Quảng Nam cùng với UBND TP Hội An và các đơn vị liên quan, đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh du lịch tại địa bàn xã Cẩm Thanh đã có buổi họp bàn nhằm giải quyết những vướng mắc liên quan đến hoạt động du lịch tại đây. Tại cuộc họp, nhiều tồn tại, hạn chế đã được nhìn nhận thẳng thắn như một thực trạng đáng báo động mà du lịch ở làng dừa nước Bảy Mẫu như: cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm môi trường tự nhiên, cò mồi, tranh giành khách…

Sau khi có phản ánh, ngày 15/5, trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An thừa nhận thực tế và cam kết sẽ có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý kiên quyết. “Đến nay, chính quyền Hội An đã thống kê 19 trường hợp vi phạm và đã ra quyết định xử lý đối với từng trường hợp cụ thể. Hiện nay, một số trường hợp đã khắc phục nhưng một số trường hợp vẫn còn chậm, sắp tới TP sẽ có biện pháp đôn đốc, nhắc nhở những trường hợp chây ỳ chưa thực hiện quyết định. Những trường hợp nào ngoan cố, không thực hiện sẽ có biện pháp cưỡng chế để từng bước trả lại cảnh quan cho rừng dừa”, ông Sơn nêu. 

Đọc thêm