Bảo dưỡng mái nhà trước mùa mưa

(PLVN) - Tình trạng thấm, dột mỗi khi mùa mưa đến luôn là nỗi lo thường trực của nhiều gia đình hiện nay. Tuy việc xử lý thấm, dột là một trong những yêu cầu cơ bản và tiên quyết trong quá trình xây dựng. Vậy, trước khi mùa mưa lại đến, gia chủ cần chú ý điều gì để tránh được tình trạng này?

Mỗi loại mái nhà có những ưu – nhược điểm riêng, không có loại mái nào (cả kết cấu và vật liệu) là tối ưu cả. Ví dụ như mái bằng đúc bê tông bền vững trước gió bão những lại hấp thụ bức xạ mặt trời lớn gây nóng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ thấm dột do dễ bị nứt. Mái tôn có ưu điểm nhẹ, thi công nhanh, thoát nước tốt nhưng cũng nóng, ồn khi trời mưa và dễ bị gió thổi tốc mái. Mái ngói có tải trọng nặng tốn chi phí cho hệ khung nhưng cách nhiệt tốt…

Hiểu được đặc tính và ưu – nhược điểm của từng loại mái sẽ giúp ta xử lý các vấn đề khi thi công và bảo dưỡng mái được hiệu quả; phát huy ưu điểm và khắc phục nhược điểm. Việc duy tu bảo dưỡng cho mái nhà cần được làm định kỳ, nhất là trước mùa mưa bão để mái nhà bền vững và an toàn.

Nếu mái không được vệ sinh, duy tu, bảo dưỡng thì rất dễ bị thấm dột

Trên các bề mặt công trình thì mái nhà là nơi hứng nhiều lượng mưa nhất (nhất là đối với những ngôi nhà ở nhỏ - thấp tầng. Vì vậy, việc quan tâm tới mái nhà là việc cần thiết để đảm bảo an toàn cho mái nhà và công trình. Cần kiểm tra lại tất cả các máng nước (seno) và ống thoát nước mái, hố ga thoát nước tránh để bị tắc, tràn gây hậu quả tiêu cực. Dùng biện pháp phù hợp để thông tắc máng nước, ống thoát và hố ga (nếu bị tắc). Nếu mái nhà đã có tiền sử thấm dột, cần kiểm tra những điểm thấm dột ở tầng áp mái để có biện pháp xử lý thích hợp. Với những mái dốc sử dụng hệ khung, cần kiểm tra, bảo dưỡng lại hệ khung để đảm bảo an toàn (sơn lại khung, gia cố những vị trí đấu nối, liên kết) để tăng tuổi thọ cho hệ khung mái. Kiểm tra và thay thế những tấm lợp hay ngói đã bị hư hỏng, không đảm bảo che chắn và thoát nước.

Tùy từng loại mái có những cách xử lý, gia cố bảo dưỡng khác nhau, nhưng đều chung một mục đích là chống thấm dột, tạo điều kiện thoát nước hiệu quả. Ví dụ như đối với mái bằng cần vệ sinh bề mặt mái sạch sẽ, tránh để rác chui vào ống thoát nước gây tắc. Đối với mái ngói có thể đảo ngói, thay thế những viên nứt vỡ để chống dột. Đối với mái tôn thì bịt lại keo tại các vị trí đinh vít liên kết tấm mái với hệ khung mái để tránh nước rò rỉ gây thấm dột… Những ngôi nhà ở miền biển cần có giải pháp chằng buộc để tránh tốc mái khi có gió lớn hay bão./.