Một năm sóng gió
Năm 2020 ghi nhận doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS “khai tử” với số lượng kỷ lục. Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 11/2020 có tới 1.272 doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng hơn 117% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc chỉ giữ lại khoảng 50% cán bộ, nhân viên để duy trì hoạt động. Khoảng 80% sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, không phát sinh giao dịch, nhiều cá nhân môi giới thất nghiệp…
Đại dịch Covid-19 đã khiến cho các doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn về dòng tiền bởi việc tổ chức mở bán dự án bị hoãn liên tục và nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh. Nhiều doanh nghiệp BĐS giao dịch sàn chứng khoán vẫn thể hiện sự tăng trưởng về lợi nhuận, nhưng dòng tiền kinh doanh lại không được như mong đợi.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho biết, trong suốt gần 3 quý đầu của năm, việc triển khai, mở bán, ra mắt dự án… của nhiều doanh nghiệp BĐS phải dừng, hoãn hoặc thậm chí đóng cửa. Dịch bệnh cũng khiến nguồn tài chính của khách hàng khó khăn hơn. Tiền mặt được tập trung để phục vụ những nhu cầu thiết yếu.
Doanh nghiệp làm ăn khó khăn, làn sóng trả mặt bằng diễn ra trên diện rộng. Các tuyến phố có nhiều cửa hàng kinh doanh tấp nập trước đây đã phải đối mặt với tình trạng ế ẩm. Nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng phải tạm dừng hoạt động…
Khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường, giá văn phòng cho thuê giảm từ 5% - 10% so với trước khi xảy ra dịch bệnh; giá mặt bằng bán lẻ giảm mạnh hơn, từ 30% - 50%.
Giữa lúc khó khăn, sự phát triển lệch pha cung cầu càng biểu hiện rõ. Theo đó, ở một số phân khúc BĐS cao cấp có biểu hiện dư cung, trong khi rất thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở xã hội.
Một số doanh nghiệp vẫn tập trung đầu tư vào các loại hình BĐS cao cấp, BĐS nghỉ dưỡng. Họ cũng chưa coi trọng đầu tư vào phân khúc nhà ở bình dân giá rẻ, nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho đại bộ phận người dân còn hạn chế về thu nhập, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế.
Cơ hội cho thị trường phục hồi
Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, vẫn xuất hiện những dấu hiệu tích cực khiến nhiều chuyên gia kỳ vọng về sức bật trở lại của thị trường ở giai đoạn tới.
Một trong những tác động tích cực đó là các ngân hàng đẩy mức lãi suất huy động xuống thấp đến mức kỷ lục đã khiến dòng tiền chảy mạnh sang kênh đầu tư BĐS. Chớp thời cơ, nhiều chủ đầu tư chủ động tung ra hàng loạt ưu đãi hấp dẫn ở các dự án lớn, có giá trị thực, thanh khoản lớn.
Bất động sản công nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội đón tiếp hàng loạt ông lớn ngành bán lẻ, sản xuất tìm kiếm sân chơi mới. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực BĐS liên tục tăng; các chủ thể tham gia thị trường ngày càng đa dạng và có tiềm lực mạnh. Đây là kết quả của việc tập trung sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan, thực hiện tái cơ cấu thị trường, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa theo yêu cầu thực của thị trường.
Giai đoạn 2016-2020, thị trường BĐS không xuất hiện các hiện tượng cực đoan như phát triển nóng hoặc trầm lắng, đóng băng. Tình trạng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương được kiểm soát kịp thời.
Không chỉ vậy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời để thực hiện “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa chống dịch hiệu quả. Trong lĩnh vực BĐS, việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội được chọn là một trong những giải pháp cấp bách giai đoạn này.
Đặc biệt, năm 2020, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã có các chỉ đạo quyết liệt thông qua nhiều nghị quyết, chỉ thị, tạo công cụ điều tiết về tín dụng, thuế, đất đai, quy hoạch, cơ cấu lại các dự án... Do đó, thị BĐS chưa rơi vào trạng thái trầm lắng, đóng băng toàn diện mà chỉ giảm phát ở một số phân khúc như nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp, văn phòng cho thuê. Đến cuối năm 2020, thị trường có dấu hiệu phục hồi, phát triển ở một số phân khúc như BĐS công nghiệp, nhà ở giá thấp.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường BĐS phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung-cầu...
Trong một hội thảo về bất động sản gần đây, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhận định, thị trường BĐS năm 2020 chỉ suy giảm chứ không suy thoái về nguồn cung cũng như giao dịch. Những điều chỉnh của thị trường là cần thiết; trong đó có điều chỉnh về phân khúc, quy mô, chất lượng và đều hướng đến mục tiêu thích ứng với thị trường. Qua những khó khăn cũng cho thấy, các chủ thể tham gia thị trường đã tích lũy được kinh nghiệm để sẵn sàng nắm lấy cơ hội.