Theo KTS Bùi Thế Long (CTA | Creative Architects) có hai cách bố trí nhà vệ sinh trong phòng ngủ: nhà vệ sinh có tường bao che kín và nhà vệ sinh mở.
Nhà vệ sinh có tường bao che kín được nhiều chủ nhà lựa chọn vì vệ sinh và kín đáo. Nhà vệ sinh bố trí về một góc phòng ngủ, vẫn phải đảm bảo có một diện chiếu sáng để có ánh sáng tự nhiên, giúp nhà vệ sinh sáng sủa, khô thoáng.
Thứ tự bố trí khu tắm đứng, toilet, bàn lavabo nên theo thứ tự về độ ướt. Khu vực sử dụng gây ướt nhiều nhất thì cần xa khu vực mở cửa nhất.
Theo thứ tự đó, thường nhà vệ sinh được bố trí theo dạng dọc với khu tắm đứng ở trong cùng, tiếp đến là toilet và bàn lavabo.
|
Bồn tắm và lavabo trong nhà Am house (CTA | Creative Architects). |
Nhà vệ sinh mở thường được thiết kế ở dạng căn hộ studio, đa phần cho người độc thân hay gia chủ yêu cầu thiết kế riêng. Đặc điểm của cách bố trí này làm tăng tính tính cởi mở, tự do của không gian sống.
Trong phòng, từ gường ngủ có thể nhìn thấy bồn tắm, lavabo, thậm chí toilet mà không có một bức tường nào, có chăng là rèm tắm hay vách kính để ngăn cách không gian.
Đối với nhà vệ sinh kiểu này, chủ nhà cần lưu ý yếu tố thông thoáng để đảm bảo không gian không bị ẩm thấp, tù bí và ám mùi. Đây là một dạng phòng ngủ kết hợp nhà vệ sinh mang lại những trải nghiệm sống mới cho các gia chủ hiện đại.