Chuyển về nhà mới, cô giáo vùng cao Hà Giang đã biến sỏi đá thành hoa trải dọc lối đi

(PLVN) - Chuyển về ngôi nhà rộng 700m2, chị Phương Thảo đã dành nửa diện tích để trồng vườn rau sạch hữu cơ và trồng hoa trải dọc lối đi.

Chị Phương Thảo (41 tuổi) từng là 1 giáo viên cấp 3 nhưng hiện đang ở nhà làm nội trợ. Trước đây tổ ấm của gia đình là một ngôi nhà được xây dựng trên mảnh đất rộng tầm 400m2 ở 1 phường trung tâm của thành phố. Tuy nhiên, cả 2 vợ chồng chị đều thích ở một nơi rộng rãi, thoáng đãng, có không gian, có nơi làm vườn nên đã quyết tâm chuyển chỗ ở.

Nơi ở hiện tại của gia đình thuộc khu đô thị mới ở phường Quang Trung - thành phố Hà Giang. Toàn bộ khu đất rộng 700m2, trong đó 400m2 dùng để xây nhà ở và diện tích sân vườn để trồng hoa, 300m2 còn lại để làm vườn trồng rau sạch cung cấp cho gia đình. Chị Thảo chia sẻ: "Mình vốn là người rất thích việc trồng và chăm sóc cây cối, đồng thời nhận thức được những lợi ích to lớn trong việc làm vườn, quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ về thể chất cũng như tinh thần cho các thành viên trong gia đình nên đã dành 1 diện tích tương đối lớn cho không gian vườn tược".

Lối ra cổng phụ

Hàng rào xinh tươi với những cây hoa hồng đủ màu sắc

Không gian sân vườn rộng rãi và đủ loại cây cỏ, rau xanh này cũng chính là "đứa con tinh thần" của gia đình sau bao tâm huyết và sức lực. Ví dụ như đá xếp luống được anh chị thuê người xuống sông lấy rồi thuê xe trở về. Sỏi lối đi trong vườn cũng phải thay 2 lần để cho các con có thể dễ dàng đi lại. Vì không có kinh nghiệm nên đất trồng rau đã phải thay 2 lần. Mỗi lần làm thuê nhân công cũng rất tốn kém.

Rau xanh được trồng hoàn toàn hữu cơ

Luống rau nào cũng xanh mơn mởn, đẹp không nỡ ăn!

Đặc biệt, công đoạn cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng thường xuyên cho cây cũng mất rất nhiều chi phí: tiền vôi, tiền trấu, tiền phân trâu, phân bò.... Riêng phân trâu, phân bò phải dùng loại đã qua xử lý, nếu không cỏ sẽ mọc rất nhanh.

Cây dọc mùng siêu to khổng lồ

Cây nào cũng đều trĩu quả.

Cây cối, rau xanh trong vườn được trồng hoàn toàn hữu cơ. Vì không phun thuốc trừ sâu nên chị Thảo càng phải chăm cây kỹ hơn, mỗi ngày mất ít nhất 1,5 - 2 tiếng để chăm sóc. Để phòng trừ sâu bệnh, ngoài ngâm tỏi ớt, chị chỉ dùng Neem oil. Mặc dù gia đình đã làm hệ thống tưới nước tự động nhưng cứ 2 ngày một lần chị sẽ hoà nước ngâm rau củ quả bón từng gốc: "Một buổi chiều bổ sung dinh dưỡng như vậy không biết mình đã xách bao nhiêu xô nước 20 lít đi khắp vườn".

Ngoài ra, cứ tầm 2 tuần 1 lần, chị sẽ nhờ 1 bạn thanh niên đến giúp những việc nặng nhọc như chuyển đất, chuyển cây, cuốc đất, trộn đất, làm giàn... Những việc như vậy nếu không có người giúp thì phận nữ nhi "chân yếu tay mềm" không thể làm nổi.

Các con luôn rất hứng khởi khi đi thu hoạch rau

Vườn tuy rộng, trồng nhiều loại như vậy nhưng chỉ đủ cung cấp rau ăn cho gia đình 2 người lớn và 3 trẻ con, thỉnh thoảng mới có rau để cho, biếu, tặng. Để có nhiều loại rau phong phú, mỗi luống chị Thảo trồng 1 loại, có thể kể đến như cải thảo, xà lách, bí ngô, cà chua, súp lơ, cải bắp... và một loại rau gia vị.

Ngoài khu vườn, con đường nhỏ ghép bằng đá và sỏi đi từ cổng chính, qua trước mặt ngôi nhà dẫn ra cổng phụ cũng là thành quả đáng tự hào của chị Thảo. Đá xẻ đi mua, còn sỏi thì chị phải đi xuống sông nhặt từng viên một theo tiêu chí: hình cánh hoa, hình tròn hoặc hình bầu dục, không kể kích thước và màu sắc. Nghe đơn giản vậy nhưng khá là nhọc nhằn và mất nhiều sức lực. Tuy nhiên, nhìn thành quả ai cũng phải thốt lên rằng: Đúng là chỉ cần có sức người, sỏi đá cũng thành "hoa".

Công đoạn tạo hình rất tỉ mỉ và công phu

Những bức tranh hoa sỏi

Sỏi dùng làm bồn cây