Phát hành trái phiếu tăng trưởng
Theo Chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Chí Hiếu, trong những năm qua, DN BĐS chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng để thực hiện các dự án, chiếm đến khoảng 80%. Nhằm kiểm soát rủi ro trong cho vay BĐS, cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Thông tư nhằm siết chặt việc cho vay BĐS. Chính vì điều này, để phát triển các dự án, ngoài trông chờ vào tín dụng ngân hàng, các DN BĐS đã tìm các kênh huy động vốn mới, trong đó có phát hành trái phiếu DN.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2020, các DN trong lĩnh vực BĐS đã phát hành khoảng 45.590 tỷ đồng trái phiếu, tương đương 2 tỷ UDS. Một số công ty phát hành lớn như CTCP Đầu tư và Phát triển Golf Bình Hải hơn 2.745 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Kinh doanh bất động sản Hà An với 1.550 tỷ đồng, kỳ hạn 2-3,5 năm; Công ty TNHH Viễn Thông Trịnh Gia Nguyễn phát hành 1.400 tỷ đồng; CTCP Vincom Retail 1.000 tỷ đồng… Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, CTCP Đầu tư phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam đã thực hiện tới 60 đợt phát hành với lượng vốn huy động hơn 2.938 tỷ đồng.
Điều đáng nói, lãi suất trái phiếu ở mức cao, hấp dẫn các nhà đầu tư (NĐT). Lãi suất cao nhất phải kể đến CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam với 13%, kỳ hạn 3 năm. Ngoài ra, đa số các DN khác đều đưa ra mức lãi suất từ 11- 12%. Đây là mức lãi suất cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng.
Theo tìm hiểu của PLVN có hai nguyên nhân chính khiến đầu tư trái phiếu tăng trưởng cao trong thời gian vừa qua.
Thứ nhất, sau khi NHNN siết chặt cho vay đối với các DN BĐS, các DN này có chính sách phát triển trái phiếu để huy động vốn. Những chính sách này được cụ thể hóa bằng việc tăng lãi suất và nhiều hình thức chăm sóc khác bằng quà tặng, các chuyến nghỉ dưỡng…
Thứ hai, việc lãi suất ngân hàng liên tục giảm trong thời gian qua từ khi có dịch Covid-19 đã khiến nhiều người thay vì gửi tiền tiết kiệm ở ngân hàng đã mua trái phiếu của DN BĐS.
Cách nào hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư?
Theo ông Nguyễn Đức Quân - Giám đốc CTCP Chứng khoán APS, trái phiếu DN phát triển mạnh do đặc tính an toàn của kênh này trong bối cảnh các kênh đầu tư khác đang chịu nhiều biến động. Không chỉ đưa ra mức lãi suất cao, trái phiếu DN ngày càng ưu việt khi NĐT cá nhân có thể tiếp cận dễ dàng thông qua quầy giao dịch của các ngân hàng hoặc công ty chứng khoán hay đặt lệnh mua qua tài khoản chứng khoán. Thậm chí, một số DN còn phát hành app.
CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam hiện đang thực hiện hàng loạt dự án BĐS trên khắp cả nước như tại Phú Yên, Huế, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Yên Bái… Ngoài vốn chủ sở hữu, DN này từ đầu năm đến nay đã thu hút được hàng trăm tỷ đồng nhờ phát hành trái phiếu. Qua đó, dù dịch Covid-19 khiến hàng loạt DN khác bị ảnh hưởng nhưng IDJ vẫn hoạt động tốt và có lãi.
Giải thích việc tại sao DN không vay ngân hàng mà quyết định phát triển trái phiếu, lãnh đạo IDJ cho biết, có những thời điểm “room” cho vay tín dụng của một số ngân hàng chạm trần cho phép. Khi DN vay vốn đúng vào thời điểm đó thì gặp khó, nên phải tìm cách huy động vốn từ các nguồn khác để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, việc chọn cách phát hành trái phiếu có nhiều thuận lợi.
Lãnh đạo IDJ cho rằng việc đơn vị này phát hành trái phiếu với lãi suất 13%/năm đúng là cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường, nhưng so với chi phí mà DN phải trả khi vay vốn ngân hàng thì không chênh lệch nhiều. Ngoài ra, thủ tục cho vay phía ngân hàng tương đối phức tạp, mất nhiều thời gian để thẩm định, giải ngân, từ đó có thể dẫn đến mất cơ hội đầu tư của DN.
Việc nhiều DN huy động vốn lớn bằng trái phiếu có thể dẫn đến rủi ro cho NĐT. Để hạn chế điều này, mới đây, ngày 28/9/2020, Bộ Tài chính đã có Thông tư 77/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung quy định về phát hành trái phiếu DN. Với quy định mới này, cách thức phát hành trái phiếu của DN bị siết chặt hơn về mặt thủ tục, tránh việc các DN nhỏ và vừa phát hành trái phiếu tràn lan. Như vậy, hiện nay khi tham gia mua trái phiếu, khách hàng đã có thể an tâm hơn khi độ rủi ro được giảm đi.
Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng Quý III/2020 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, đầu năm, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên nhu cầu vốn rất thấp. Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, đối với các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, trái phiếu DN, NHNN luôn theo sát để đảm bảo tín dụng không lâm vào rủi ro và hạn chế thấp nhất gia tăng của nợ xấu.
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi rất sát những diễn biến kinh tế vĩ mô tiền tệ ngân hàng, căn cứ vào đó và sức khoẻ của hệ thống ngân hàng, mức độ thanh khoản của hệ thống ngân hàng ở những thời điểm khác nhau để quyết định điều chỉnh các công cụ chính sách tiền tệ, trong đó có lãi suất, nếu cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống ngân hàng"- Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Tô My