Bổ sung nhiều khu công nghiệp
Tại tỉnh Bắc Giang, mới đây, hàng loạt khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng đồng ý điều chỉnh, bổ sung. Cụ thể, tỉnh này được bổ sung mới các KCN là Yên Lư (377 ha) tại huyện Yên Dũng; KCN Yên Sơn - Bắc Lũng (diện tích 300 ha) tại huyện Lục Nam; KCN Tân Hưng (diện tích 105,3 ha) tại huyện Lạng Giang. Cùng với đó, các KCN được mở rộng là KCN Quang Châu tăng thêm 90 ha; KCN Hòa Phú tăng thêm 85 ha; KCN Việt Hàn tăng thêm 148 ha.
Tại Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Thuận Thành I. KCN này có quy mô gần 250 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.847 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư (Tổng Công ty Viglacera) hơn 859 tỷ đồng.
Tại Vĩnh Phúc, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Tam Dương I - khu vực 2 cũng vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án có quy mô hơn 162 ha, trong đó, phần đất xây dựng hạ tầng KCN là 156,76 ha.Tổng vốn đầu tư dự án hơn 1.316 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 198,734 tỷ đồng.
Theo Tập đoàn Hòa Phát, đơn vị này cũng vừa được Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phố Nối A mở rộng với diện tích 92,5ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Là KCN lớn nhất tại tỉnh Hưng Yên, KCN Phố Nối A đã được cấp phép đầu tư diện tích hơn 596ha, nằm trên địa bàn huyện Văn Lâm, huyện Yên Mỹ và thị xã Mỹ Hào. Với chủ trương trên của Thủ tướng Chính phủ, tổng diện tích KCN Phố Nối A sẽ được nâng lên thành 686ha. Tính đến hết năm 2020, KCN Phố Nối A đã thu hút được 208 dự án thứ cấp, trong đó 114 dự án trong nước, 94 dự án FDI, trong đó phần lớn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2 tỷ USD.
Đại diện Hòa Phát cho biết thêm, Ngoài KCN Phố Nối A, hiện Tập đoàn đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật KCN Yên Mỹ II (Hưng yên) 97,5ha và KCN Hòa Mạc (Hà Nam) 131ha.
Diện tích khu công nghiệp đáp ứng đủ cho doanh nghiệp?
Ngoài các địa phương trên có thêm các KCN hoặc các KCN được mở rộng, hàng loạt tỉnh, thành khác cũng vừa được Chính phủ đồng ý phát triển thêm các KCN như ở Trà Vinh, Bình Thuận, Hải Dương, Quảng Trị, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… Như vậy, nỗi lo thiếu diện tích các KCN đã phần nào bớt vơi trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp sản xuất, nhiều DN cần có đất để thực hiện.
Theo đánh giá của Savills Việt Nam, đang có xu hướng nhiều tập đoàn lĩnh vực điện tử, dệt may, da giày, sản xuất phụ tùng đã và đang di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. “Làn sóng các DN đang làm ăn ở Trung Quốc sang Việt Nam sẽ còn tiếp diễn trong năm 2021. Đây là cơ hội lớn để bất động sản (BĐS) công nghiệp ở Việt Nam phát triển”, Savills Việt Nam đánh giá.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam nhận định, nguồn lực các KCN ở nước ta hiện tại chỉ đủ phục vụ, thu hút các DN trong điều kiện bình thường. Nếu có một làn sóng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam trong giai đoạn tới thì diện tích các KCN như hiện tại sẽ không đáp ứng đủ. Do đó, việc Chính phủ đồng ý phê duyệt nhiều KCN mới là rất cần thiết và kịp thời.
Theo đại diện Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu từ các KCN thường ổn định, bền vững, ít rủi ro so với nhiều loại hình kinh doanh BĐS khác. Do đó, phát triển các KCN đang được nhiều DN phát triển, trong đó có Hòa Phát. “Chỗ nào hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật như điện nước, giao thông thì có DN đến thuê luôn. Hiện tỷ lệ lấp đầy các KCN của Hòa Phát lên đến gần 100%” - đại diện Hòa Phát nói với PLVN về lợi thế khi làm BĐS công nghiệp.
Làn sóng đầu tư vào BĐS công nghiệp
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện Việt Nam đang là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các DN đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... xem Việt Nam là một điểm đến ưu tiên. Các Hiệp định thương mại tự do mới được Chính phủ ký kết cũng góp phần làm nên tính hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Theo đánh giá, cuối năm 2020 và năm 2021 sẽ có làn sóng đầu tư BĐS công nghiệp mạnh mẽ ở Việt Nam.