Việc này diễn ra khi công ty Kik (hoạt động 10 năm ở Canada, chuyên về ứng dụng nhắn tin) vừa lập kỳ tích gọi vốn bằng tiền ảo (ICO) lớn nhất từ trước đến nay - thu gần 100 triệu USD. Đây là thương vụ ICO thu được số vốn nhiều nhất theo mô hình B2C trên mạng Internet kể từ khi hình thức này ra đời. Số tiền Kik thu được là 168.732 Ethereum (khoảng 47,5 triệu USD), cộng với 50 triệu USD huy động trước đó.
Giới chuyên môn quan tâm tới sự thay đổi nhanh chóng của Ngân hàng JPMorgan Chase đối với tiền ảo. Khi giá Bitcoin vượt mốc 5.300 USD, Giám đốc tài chính JPMorgan Chase Marianne Lake cho biết, họ cởi mở với việc ứng dụng tiền ảo được kiểm soát và quy định đầy đủ trong tương lai. Nhưng tháng trước, CEO JPMorgan Chase Jamie Dimon gọi Bitcoin là “lừa đảo” cùng tuyên bố, sẽ đuổi bất kỳ nhân viên nào giao dịch chúng vì đã hành động một cách “ngu ngốc”.
Thậm chí ông Jamie Dimon còn cảnh báo, chính phủ các nước sẽ phải dẹp loại tiền này nếu chúng phát triển quá mạnh. Thomas Glucksmann, Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Gatecoin (sàn giao dịch tiền điện tử) dự báo, giá Bitcoin sẽ tiến dần đến 6.000 USD khi kết thúc năm 2017.
Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi các ngân hàng trung ương cùng giới chức trên thế giới cần nghiêm túc xem xét các loại tiền kỹ thuật số, và không loại trừ khả năng đến một lúc nào đó, IMF sẽ phát triển tiền kỹ thuật số riêng. Giám đốc tài chính Citigroup John Gerspach tuyên bố, đang xem xét kỹ lưỡng tiền ảo và công nghệ blockchain.
Theo trang tin CoinTelegraph, Bộ trưởng Truyền thông Nga Nikolay Nikiforov vừa xác nhận kế hoạch khởi động một loại tiền ảo tại nước này dưới sự kiểm soát của nhà nước. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Olga Skorobogatova từng tuyên bố, Moskva đang tìm hiểu để tạo ra tiền ảo riêng (có thể là CryptoRuble), để mọi người không thể “đào” giống như Bitcoin. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cũng cho biết, dự luật quy định về tiền ảo ở Nga sẽ được thảo luận vào cuối năm nay.
|
Nga sắp thảo luận dự luật quy định cụ thể về tiền ảo |
“Tiền ảo là thực tế cuộc sống. Chúng ta cần tạo ra khuôn khổ pháp lý cho chúng, chúng ta cần kiểm soát chúng nếu các hoạt động của chúng trái với luật pháp, trong đó có luật về chống rửa tiền”, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nhấn mạnh. Bởi việc này không những tạo ra nguồn thu thuế, mà còn bảo vệ người dân và giới đầu tư đầu tư tiền ảo.
Hai tháng trước (tháng 8-2017), Thứ trưởng Tài chính Nga Aleksey Moiseev cho biết, chính phủ muốn bảo vệ người dân khỏi giao dịch Bitcoin vì nó biến động khôn lường. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina đồng ý với Bộ Tài chính khi so sánh tiền ảo với kim tự tháp. Tờ Russia Today từng đưa tin, tuy các loại tiền ảo không được phép sử dụng, nhưng không có luật nào cấm loại tiền này ở Nga. Tổng thống Putin cũng vừa cảnh báo rủi ro đến từ tiền ảo.
Theo giới truyền thông, để được phép giao dịch Bitcoin ở Nga, nhà đầu tư phải được chứng nhận là “nhà đầu tư đủ điều kiện” - phải có ít nhất 6 triệu rub trong tài khoản (khoảng 100.000 USD) và thực hiện ít nhất 40 giao dịch mỗi năm với doanh thu 6 triệu rub, hoặc làm việc ít nhất 2 năm trong một tổ chức tài chính giao dịch chứng khoán.
Cộng hòa Vanuatu đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép nhận Bitcoin trong chương trình đổi đầu tư lấy quyền công dân - ai bỏ ra 280.000 USD (khoảng 53 Bitcoin), người đó sẽ được cấp hộ chiếu Vanuatu cho cả gia đình từ 4 người trở xuống.
Giới chuyên môn nhiều lần cảnh báo rủi ro xung quanh ICO. Hãng Bloomberg từng gọi đây là “một thế giới ngầm đang bùng nổ”, khi hơn 1 tỷ USD được huy động qua hình thức ICO. Business Insider đã ví ICO với cơn sốt đổ xô đi tìm vàng ở Mỹ hồi thế kỷ 19. Theo CNBC, từ đầu năm đến nay, đồng tiền ảo phổ biến nhất thế giới Bitcoin đã tăng tới 480%./.