Nghề quản trị chung cư

(PLVN) -Trong báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, vận hành và cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”, do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội ban hành mới đây, một nội dung đáng chú ý là cơ quan này đánh giá quy định pháp luật về điều kiện, tiêu chuẩn thành viên ban quản trị nhà chung cư (BQT) còn chung chung; dẫn đến hiện tượng lạm quyền, trục lợi, trong khi lại thiếu chế tài xử lý.
Ảnh minh họa.

Ủy ban Pháp luật nhận định Luật Nhà ở 2014 không quy định điều kiện, tiêu chuẩn thành viên BQT, trong khi Thông tư 28/2016 của Bộ Xây dựng về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư quy định “rất sơ lược, đơn giản”. Theo đó, thành viên BQT chỉ phải đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn là chủ sở hữu và đang sử dụng nhà chung cư đó; hoặc được chủ sở hữu ủy quyền tham dự hội nghị nhà chung cư.

Trong khi đó, BQT là một tổ chức đại diện toàn bộ cư dân nhà chung cư, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng về sử dụng kinh phí của người dân (quỹ bảo trì), quản lý, vận hành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật nhà chung cư. Thực tế cho thấy, do điều kiện, tiêu chuẩn thành viên BQT rất đơn giản nên về cơ bản cư dân đều đủ điều kiện tham gia.

Theo Ủy ban Pháp luật, việc này dẫn đến hệ quả một số BQT vi phạm trong sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý, vận hành nhà chung cư; chưa hiểu biết đầy đủ quy định pháp luật về nhà ở; dẫn đến bất đồng, tranh chấp với chủ đầu tư và cư dân tại một số chung cư.

Có trường hợp thành viên BQT lạm quyền để trục lợi như tự thuê dịch vụ ngoài đơn vị quản lý vận hành, tự ý sử dụng kinh phí bảo trì, chỉ định nhà thầu bảo vệ, dọn vệ sinh, bảo trì, bảo dưỡng tòa nhà để lấy hoa hồng. “Có trường hợp BQT kích động cư dân khiếu kiện, tập trung đông người, gây mất an ninh trật tự”, báo cáo nêu.

Báo cáo cũng chỉ ra luật hiện hành chưa quy định cụ thể cách thức tổ chức hội nghị nhà chung cư (trực tiếp, trực tuyến...); chế tài xử lý vi phạm của BQT và thành viên chưa đầy đủ, cụ thể và chưa hiệu quả.

Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) nghiên cứu, bổ sung các quy định về chế tài xử lý trong trường hợp BQT, thành viên BQT vượt quyền, lạm quyền, gây thiệt hại cho cư dân.

Thực tế nêu trên, dư luận đã phản ánh trong nhiều năm gần đây; nhưng đây là lần đầu tiên sự việc được chỉ rõ như vậy trên quy mô tổng thể. Trên lý thuyết, trưởng - phó hay thành viên BQT có thể chỉ nhận được mức thù lao hàng tháng không lớn, cỡ một vài triệu mỗi tháng; nhưng một số người muốn tham gia BQT không chỉ vì khoản tiền đó. Công việc quản lý tòa chung cư có thể lên tới hàng ngàn hộ dân, thì phía sau đó có thể là “quyền lực” và những mối lợi khác… Đơn cử đã có một số vụ việc bị cư dân khiếu nại về việc khoản tiền bảo trì một tòa chung cư hàng chục tỉ, chỉ cần gửi ngân hàng lấy lãi, có thời điểm sẽ nhận được cả tỉ đồng mỗi năm; nhưng BQT khi báo cáo lại cho hay tiền lãi chỉ là vài chục triệu.

Để giải quyết tình trạng nêu trên, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần coi quản trị chung cư là một nghề, dành cho những người không chỉ là cư dân tòa nhà mà còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn nhất định và có chế độ thù lao phù hợp hàng tháng. Đổi lại, khi đã coi là nghề, BQT phải nhất nhất thực hiện đúng quy định pháp luật và quy chế nhà chung cư, không được để xảy ra vi phạm rồi nại lý do “tôi không hiểu biết”.

Đọc thêm