Rà soát đất để xây nhà xã hội ở Đà Lạt

(PLVN) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo các sở và địa phương rà soát quỹ đất để xây dựng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) năm 2025. Trong đó, TP Đà Lạt rà soát quỹ đất đang bố trí nhà tạm cư nhỏ lẻ, không hiệu quả hoặc một số vị trí đất công ở xa trung tâm để lập quy hoạch xây NƠXH, báo cáo trước ngày 25/6.
Một góc khu vực trung tâm TP Đà Lạt. Ảnh: Quỳnh Trần

Chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng được đưa ra trong bối cảnh tiến độ phát triển NƠXH tại TP Đà Lạt còn chậm, chưa bảo đảm kế hoạch đề ra. Trước đó, trong báo cáo về phát triển NƠXH, Sở Xây dựng cho biết UBND TP Đà Lạt chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm khởi công ít nhất 1 dự án trong năm 2024. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, cơ quan này không có báo cáo rà soát vị trí các quỹ đất xây NƠXH hay đề xuất giải pháp để bảo đảm đạt chỉ tiêu đề ra.

Trong giai đoạn 2021 - 2023, TP Đà Lạt có 2 dự án NƠXH đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang đấu thầu chọn nhà đầu tư, gồm NƠXH Kim Đồng (phường 6), NƠXH khu quy hoạch 5B-CC5 (phường 3 và 4). Một dự án khác đang rà soát pháp lý là NƠXH Sào Nam (phường 11).

Sở Xây dựng đánh giá tiến độ phát triển NƠXH ở TP Đà Lạt còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Đơn cử thời gian lập và thẩm định chủ trương đầu tư 3 dự án trên đều kéo dài do vị trí quy hoạch chưa phải đất sạch. Tiến độ thu hồi đất cũng chậm so với lộ trình đã được tỉnh thống nhất.

Trong khi đó, Đà Lạt là địa phương dẫn đầu về số lượng người thu nhập thấp có nhu cầu mua NƠXH với gần 1.300 người. Theo sau là TP Bảo Lộc (1.100 người) và huyện Đức Trọng (480 người). Các địa phương còn lại không có nhu cầu. Gộp cả công nhân trong khu công nghiệp và lực lượng vũ trang nhân dân, Lâm Đồng có hơn 9.400 người có nhu cầu mua NƠXH.

Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP Đà Lạt sớm triển khai các dự án NƠXH và chịu trách nhiệm nếu để chậm tiến độ kế hoạch phát triển nhà ở năm nay.

Trước đó, báo cáo quản lý thị trường bất động sản và NƠXH giai đoạn 2015 - 2023 của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng kết luận nhu cầu NƠXH tập trung ở TP Đà Lạt nhưng quỹ đất còn hạn chế, quy mô nhỏ, rải rác. Những khu vực này khó thu hút đầu tư bởi hệ số sử dụng đất không cao, chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng.

Loại hình sản phẩm cũng thiếu đa dạng, chưa có sản phẩm cho công nhân, người lao động tại khu công nghiệp. Những điều này dẫn đến việc phát triển phân khúc này tại địa phương còn chậm, hiệu quả chưa cao. Từ 2022, Đà Lạt không có dự án nào đưa vào sử dụng.

Đọc thêm