Doanh nghiệp 'kêu than' vì định mức xây dựng thấp, Bộ Xây dựng nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều doanh nghiệp lĩnh vực xây dựng giao thông và dân dụng trong những năm gần đây đều “kêu than” vì định mức xây dựng được quy định đang thấp hơn so với thực tế, khiến nhiều hạng mục doanh nghiệp phải bù lỗ. Bộ Xây dựng đang dự thảo sửa đổi nghị định về định mức ngành xây dựng.
Nhiều doanh nghiệp xây dựng cao tốc kêu lỗ ở một số hạng mục. (Ảnh: PV)
Nhiều doanh nghiệp xây dựng cao tốc kêu lỗ ở một số hạng mục. (Ảnh: PV)

Doanh nghiệp “kêu ca”

Hiện nay, đơn giá, định mức ngành xây dựng được thực hiện theo Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Qua thực tế trao đổi với một số chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng, phóng viên nhận thấy, tất cả đều cho rằng hiện nay quy định về đơn giá, định mức trong lĩnh vực xây dựng giao thông đang có nhiều bất cập. Theo đại diện Tập đoàn Vinaconex, đơn vị này thực hiện hàng loạt dự án giao thông trọng điểm quốc gia như Cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Vành đai 4 vùng Thủ đô…. “Nếu các cơ quan quản lý nhà nước không xây dựng lại đơn giá, định mức, nguy cơ nhiều nhà thầu cao tốc Bắc - Nam sẽ thua lỗ”, lãnh đạo Vinaconex chia sẻ.

Theo vị này, nguyên nhân dẫn tới các nhà thầu giao thông đối mặt nguy cơ thua lỗ là do đơn giá, định mức trong dự toán mời thầu thấp, không phản ánh đúng thực tế. Đặc biệt, trong quá trình thi công nhà thầu gặp phải tình trạng khan hiếm nguồn đất đắp và bão giá vật liệu. Phân tích chi tiết thêm, lãnh đạo Vinaconex cho biết, ví dụ như đối với đất đắp nền, một mét khối đất được chủ đầu tư phê duyệt đơn giá khoảng 90.000, nhưng thực tế nhà thầu phải mua với giá trên 100.000 một mét khối. Các mỏ đất đá do địa phương quản lý, cấp phép khai thác cho một số doanh nghiệp địa phương. Do đó, nhà thầu giao thông thỏa thuận giá rất khó khăn. Thông thường phải mua với giá đắt hơn so với mức giá được quy định.

Đại diện doanh nghiệp thầu xây dựng giao thông cũng cho rằng, đối với vật liệu cấp phối đá dăm, cát vàng, xi măng..., trong quá trình lập dự toán gói thầu, hầu hết được tính toán thấp hơn so với giá mua thực tế. Đặc biệt, trong quá trình thi công thực tế, một số mỏ không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật dự án, không đáp ứng về khối lượng cung cấp, phải thay thế tại các mỏ khác nhau.

“Đơn giá thực tế tại chân công trình vượt đơn giá dự toán gói thầu và đơn giá dự thầu của nhà thầu. Giá trị chênh lệch cho phần vật liệu cấp phối đá dăm, cát vàng, xi măng... tại một gói thầu cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết khoảng hơn 70 tỷ đồng”, lãnh đạo Vinaconex dẫn chứng.

Theo ông Vũ Đức Nhận - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành, một trong những bất cập ảnh hưởng rất lớn tới nhà thầu hiện nay là bộ định mức do Bộ Xây dựng ban hành (Thông tư số 12/2021/TT-BXD) còn nhiều vấn đề chưa hợp lý và chưa sát với thực tiễn. “Định mức về vận chuyển ngày càng giảm đi nhiều, trong khi việc vận chuyển vật liệu, vật tư thực tế càng xa, nhà thầu càng lỗ”, lãnh đạo Phương Thành cho hay.

Khi nào các bất cập được sửa?

Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, một số bất cập khác trong đơn giá, định mức xây dựng thấp là về nhân công, ca máy và khấu hao vật tư thi công. Điển hình, đơn giá nhân công theo quy định của Bộ Xây dựng ban hành thấp hơn nhiều so với thực tế phải trả cho người lao động tại hiện trường. Cụ thể, đơn giá nhân công theo quy định tại các tỉnh bình quân khoảng 255.000 đồng/ngày công, tương đương 6.630.000 đồng/tháng. Trong khi thực tế, các doanh nghiệp phải trả ít nhất 500.000 đồng/ngày công, tương đương ít nhất 13.000.000 đồng/tháng. Ngoài ra, chi phí ca 3 trong dự toán thường không được tính, trong khi các dự án giao thông trọng điểm thường yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, làm 3 ca, 4 kíp.

Không chỉ nhà thầu xây dựng giao thông kêu ca, nhiều nhà thầu xây dựng dân dụng, công nghiệp cũng “than trời”. Đại diện một doanh nghiệp xây dựng dân dụng cho biết, doanh nghiệp của anh thường tham gia xây dựng trường học, trạm xá, trụ sở ủy ban… Tuy nhiên, quy định về đơn giá, định mức nhiều hạng mục đang thấp so với thực tế.

Trước thực tế trên, mới đây, trao đổi với PLVN, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện Bộ này đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành định mức xây dựng. “Chúng tôi sửa đổi Thông tư theo hướng đơn giá, định mức xây dựng phù hợp hơn với thực tế hiện nay”, đại diện Bộ Xây dựng nói và cho biết, dự kiến khoảng cuối quý III đầu quý IV năm nay Thông tư này sẽ được ban hành.

Đại diện Bộ Xây dựng thừa nhận, hiện nay nhiều địa phương, doanh nghiệp xây dựng đang phàn nàn về đơn giá, định mức cũ. Tuy nhiên, vị này cho rằng, việc sửa đổi thông tư cần đúng theo trình tự, thủ tục. “Chúng tôi đang nỗ lực để có thể ban hành sớm nhất”, lãnh đạo Bộ Xây dựng chia sẻ.

Đọc thêm