Và có vẻ như để tránh ngày Cá tháng Tư (1/4), Thông tư 02/2016/TT-BXD ban hành ngày 15/02/2016 về Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư sẽ có hiệu lực 2/4/2016. Nội dung của văn bản này nêu rõ: Nghiêm cấm các hành vi nói tục, chửi bậy, cãi - đánh nhau gây ồn ào, mất an ninh, trật tự; cấm sử dụng truyền thanh truyền hình hoặc các thiết bị phát ra âm thanh quá mức làm ảnh hưởng đến yêu tĩnh nhà chung cư.
Bên cạnh đó, thông tư nêu cụ thể nghiêm cấm người dân đốt vàng mã tại căn hộ chung cư, kinh doanh các lĩnh vực có liên quan đến vật liệu dễ cháy tại căn hộ; không nuôi gia súc, gia cầm tại chung cư, phóng uế, xả rác hoặc các chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, cấm dân không phơi quần áo hoặc chậu cảnh trên lan can và phần không gian từ lan can trở lên, vắt ngang cửa sổ của căn hộ. Cấm ném, đổ bất cứ vật, chất liệu gì từ cửa sổ, ban công căn hộ xuống không gian chung hoặc đường đi....
Nếu trường hợp người dân vi phạm những quy định trên, tùy theo mức độ ban quản lý hoặc chính quyền sở tại sẽ xem xét, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp xảy ra gây hậu quả, người gây ra phải chịu bồi thường thiệt hại cho Nhà nước, cộng đồng và người bị hại...
Thoạt nghe, có vẻ những quy định cấm này là hài hước vì đây là những vấn đề có liên quan đến nếp sống, thói quen và ý thức của người dân, mỗi người dân phải ý thức khi sống ở không gian chung, không nên luật hóa những vấn đề này.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều vụ việc xảy ra liên quan đến người dân sống ở chung cư gây mất an ninh trật tự, vứt đồ, vật liệu hoặc... gây bức xúc trong cộng đồng.
Mặc dù phải đến hơn 1 tuần lễ nữa, thông tư này mới có hiệu lực, song hiện có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho hay, dù đây là văn bản "bất đắc dĩ" liên quan đến hành vi ứng xử của cư dân nhưng sẽ tạo được nếp sống, ý thức văn minh ở các khu chung cư, nhà cao tầng và đô thị mới hiện nay. Việc luật hóa ý thức và trách nhiệm cũng hạn chế những thói quen vô tổ chức của 1 bộ phận người dân vẫn quen nếp sống cá nhân, tùy tiện chưa có ý thức cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều người cho hay văn bản này chẳng khác nào thả gà ra đuổi bởi không khả thi và không thể kiểm soát được, nhất là việc đổ nước, vứt đồ đạc ra cửa sổ, lan can thì ai giám sát và làm bằng chứng. Và khi xảy ra sự cố, ai sẽ xử lý?
Hà Nội có rất nhiều chung cư cũ và mới. Vậy khi đã đưa ra quy định, luật hóa thì người dân phải chấp hành, nhiều chung cư như vậy thì ai sẽ quản lý, xử phạt khi những việc như: nuôi chó mèo, phơi đồ trên lan can, hất nước tại các khu đô thị vẫn diễn ra thường xuyên?