Khu kinh tế ven biển Uông Bí – Quảng Yên: Đầu tàu thúc đẩy sản xuất công nghiệp – công nghệ cao của miền Bắc
Khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên sẽ được xây dựng và phát triển thành khu kinh tế đa ngành với thời gian xây dựng triển khai từ 2020 – 2035. Nơi đây sẽ hình thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hậu cần cảng và đô thị hiện đại thông minh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực đồng bằng sông Hồng. Tất cả các hoạt động, cơ chế, chính sách và tổ chức quản lý của khu kinh tế này sẽ được thực hiện theo các qui định pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế.
|
Khu kinh tế ven biển Uông Bí – Quảng Yên sẽ là lực hút hàng loạt các đại bàng lựa chọn Quảng Ninh để chế tạo và sản xuất |
|
Foxconn khởi động cho sản xuất công nghệ cao tại khu kinh tế tập trung ven biển Uông Bí – Quảng Yên |
Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển Uông Bí - Quảng Yên nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các khu kinh tế ven biển như: Vân Đồn, Đình Vũ - Cát Hải, Thái Bình nhằm phát triển nhóm các khu kinh tế ven biển để phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của từng khu kinh tế và xây dựng mối liên kết về phát triển kinh tế - xã hội giữa các khu kinh tế với khu vực lân cận.
Uông Bí: Phát triển kinh tế - du lịch ban đêm định hướng mũi nhọn
Không chỉ chú trọng phát triển công nghiệp, công nghệ cao cho Uông Bí, Quảng Ninh cũng đang thí điểm xây dựng phát triển kinh tế ban đêm phục vụ người dân và du khách tại 2 thành phố lớn là Hạ Long và Uông Bí dựa trên các sản phẩm du lịch, ẩm thực và văn hóa. Đây là một trong 2 thành phố đầu tiên của toàn miền Bắc được xây dựng chủ trương phát triển kinh tế với du lịch ban đêm nhằm tối ưu hóa và gia tăng giá trị phát triển kinh tế với mũi nhọn là du lịch.
|
Phát triển kinh tế - du lịch ban đêm định hướng mũi nhọn của Thành phố Uông Bí |
Trong đó, Uông Bí có nhiều thuận lợi khi kết hợp phát triển kinh tế với phát triển du lịch di sản bởi hàng loạt các danh thắng cấp quốc gia như: chùa Yên Tử, chùa Ba Vàng,… Với quyết tâm cao phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này, sau các đợt dịch bệnh được kiểm soát, Uông Bí đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm kích cầu du lịch để thu hút du khách về với thành phố.
Giao thông hạ tầng được mở rộng – đón đầu phát triển kinh tế địa phương
Đồng bộ phát triển hạ tầng giao thông của toàn tỉnh là định hướng mũi nhọn của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế. Quảng Ninh đã kết nối hạ tầng với khu kinh tế ven biển Uông Bí – Quảng Yên qua tuyến đường ven sông nối từ cao tốc Hạ Long đến thành phố Uông Bí và thị xã Đông Triều.
|
Báo cáo nghiên cứu Dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều và thành phố Uông Bí |
Dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều có tổng chiều dài 26,5km với thiết kế 10 làn xe, điểm đầu tại Km4+800 tỉnh lộ 338, đấu nối vào tuyến đường KCN Sông Khoai đang được đầu tư, điểm cuối giao cắt với QL18 tại Km59+700, đi qua các địa phương Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều.
Trong giai đoạn 2, quy mô đường 6 làn xe, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4.500 tỷ đồng. Hiện giai đoạn I của dự án có chiều dài 4,2km từ nút giao khu đô thị phức hợp Hạ Long Xanh trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến KCN Sông Khoai đang được triển khai thực hiện.
|
Dự án đường Trần Hưng Đạo kéo dài đấu nối với tuyến đường tránh phía Nam của TP Uông Bí hiện có 80% tuyến đường được thông tuyến sẽ tạo điều kiện phát triển cho kinh tế TP Uông Bí kết nối với các khu vực kinh tế trọng điểm miền bắc. |
Dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều và thành phố Uông Bí sẽ từng bước cụ thể hóa chủ trương quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông tạo kết nối, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển tiềm năng, lợi thế của các địa phương phía Tây của tỉnh cũng như TP Hạ Long.
Những đổi thay nói trên đã khẳng định thành công của chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội đặc biệt là hệ thống giao thông, đầu tư cơ sở hạ tầng, du lịch để khẳng định là một trong những địa phương thuộc trục kinh tế - du lịch – di sản của không chỉ của Quảng Ninh mà còn là trục kinh tế Bắc – Đông Bắc.