Trước đó, TTCP đã công bố kết luận về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội trong giai đoạn 2003 - 2016. Qua thanh tra cho thấy, có nhiều sai sót. Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất thực hiện dự án, đang là một trong những chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Như vậy, hệ thống luật pháp về đất đai cho thấy còn quá nhiều kẽ hở. Từ thực tế này, việc hình thành nên các “nhóm lợi ích” là rất nguy hiểm. Các vụ án lớn về sai phạm trong quản lý đất đai, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cựu lãnh đạo TP HCM được đưa ra xét xử thời gian quan qua cho thấy, không chỉ mất mát cán bộ, mà còn làm suy giảm lòng tin của nhân dân, tạo ra bất công xã hội.
Đáng tiếc, sai phạm về quản lý đất đai đang diễn ra, không chỉ ở các đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP HCM... Xin nêu một dẫn chứng, cũng cách đây vài hôm, theo kết luận thanh tra của UBND tỉnh Hà Tĩnh, dự án Khu đô thị Bắc TP Hà Tĩnh do HUD làm chủ đầu tư đã có nhiều sai phạm, trong đó có việc xoá nợ cho nhà đầu tư hơn 4,5 tỷ đồng trái pháp luật. Trong trường hợp này thật khó để giải thích khi nguyên nhân được chỉ ra là do sự yếu kém về mặt chuyên môn của các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn do đã tham mưu không đúng quy định của pháp luật trong chấp thuận chủ trương đầu tư, xác định tiền sử dụng đất, miễn số tiền phạt chậm nộp... cho nhà đầu tư.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, đất đai là lĩnh vực màu mỡ nhất cho tham nhũng, làm thất thoát tài sản nhà nước nghiêm trọng nhất. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản vẫn là do sự bất cập của Luật Đất đai hiện hành. Đặc biệt là chuyển đất đai thành vốn trong cổ phần hóa đã và đang gây ra nhiều kẽ hở để các quan chức tham nhũng đất đai. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất là một bài toán rất lắt léo và cũng rất công khai những ai không đọc vị được nhưng mà vẫn chưa có cơ chế pháp lý xử lý nó. Nó vừa là khiếm khuyết, vừa là sai sót, vừa là lỗ hổng, vừa là kẽ hở để gây thất thoát tài sản, đất đai.
Sửa đổi Luật, lấp đầy những lỗ hổng đã khó nhưng xây dựng sự liêm chính của đội ngũ những cán bộ, công chức có trách nhiệm xem ra còn khó hơn. Liêm chính là điều hệ trọng, không thể “bất lực”.