Tố bác sĩ tắc trách
Trao đổi với chúng tôi, chị Hường cho biết, chị cùng chồng (anh Nguyễn Văn Toàn) trước khi lấy nhau đều khỏe mạnh, không có bệnh tật. Quá trình mang thai, khi khám thai tại phòng khám tư nhân gần bệnh viện đa khoa Vân Đình từ tháng thứ 1, 3, 5, 7, 8 của thai kỳ đều được kết luận mẹ khỏe, thai phát triển bình thường.
Tuy nhiên, đến tháng thứ 9 của thai kỳ, chị Hường khám thai tại Bệnh viện đa khoa Vân Đình thì có kết luận thai của chị to, đa ối, nhưng theo lời chị, “bác sĩ chỉ khám và kết luận mà không có sự tư vấn”.
“5h sáng 17/12/2016, tôi được gia đình đưa đến bệnh viện để sinh con. Đến 8h cùng ngày, nữ bác sĩ khám cho tôi nói “Cửa mình chưa mở, thai bình thường, tiếp tục chờ”. Khoảng 8h45’, một nam bác sĩ nói: “Mở 3 phân, thai to quá nên phải mổ” và tôi được đưa vào phòng mổ lấy con lúc 9h. Bé gái ra đời khóc ngay, cân nặng 4,9kg”, chị Hường kể.
Đến đầu giờ chiều cùng ngày, thấy tiếng cháu nội khản, thở khò khè không như trẻ bình thường, bà Nguyễn Thị Đào sang phòng các bác sĩ trực báo sự việc, nhưng lúc này bác sĩ không có mặt. Nữ y tá trực lúc đó nói: “Con to, khỏe mạnh như thế này không làm sao cả. Chỉ cần mua nước muối sinh lý nhỏ hai, ba ngày là khỏi”. Gia đình thực hiện đúng lời của y tá, nhỏ mũi cho cháu bằng nước muối sinh lý mua tại bệnh viện.
“Đến đêm, con chúng tôi vẫn ăn uống bình thường, tổng cộng ăn 3 lần, mỗi lần khoảng 30ml sữa. 8h sáng hôm sau (18/12), cho cháu ăn sữa nhưng cháu không ăn, môi tím tái, bà nội vội bế cháu sang phòng bác sĩ trực, bác sĩ cho ống xông vào mũi hút ra toàn chất dịch màu đen. Bác sĩ bảo bà nội cháu lấy nước muối và yêu cầu bà nội ra ngoài để họ làm việc”, anh Toàn kể lại.
Ít phút sau, bà Đào đón cháu nội về phòng thì từ miệng và mũi cháu đùn ra rất nhiều nước cặn bẩn. 14h cùng ngày, cháu không bú sữa mà đờ người ra nên bà nội tiếp tục bế sang phòng bác sĩ. Lúc này, bác sĩ trực nói:
“Cháu không làm sao cả, da vẫn còn hồng hào thế này cơ mà”. Khoảng 20 phút sau, toàn thân cháu bắt đầu tím tái. Sau khi cho cháu thở ôxy và đưa tai nghe đặt khám cho cháu, bác sĩ bảo gia đình phải chuyển cháu đến bệnh viện Xanh Pôn.
Theo vợ chồng anh Toàn, khi cháu bé chuyển viện đi đến gần bệnh viện thì bình ôxy trong xe cứu thương hết, phải chạy xuống xin ôxy mới chuyển được cháu vào viện cấp cứu.
“Y tá đưa gia đình và bé vào phòng cấp cứu và ngay sau đó quay lại xe về ngay mà không bàn giao với khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Lúc này bác sĩ Dương là bác sĩ trực hỏi: “Cháu bé ở đâu mà cấp cứu tại đây?”, chúng tôi trả lời: “Từ bệnh viện Vân Đình ra cấp cứu nhưng y tá đã về”.
Sau khi khám, bác sĩ cho biết tình trạng của cháu bé quá nặng. Điều trị ở đây hơn 1 ngày thì 5h sáng ngày 20/12, cháu qua đời… “Chúng tôi hỏi khoa nhi bệnh viện Xanh Pôn lý do cháu mất, thì bệnh viện kết luận do chuyển viện chậm, suy hô hấp, có nhiều nước ối trong màng phổi”, anh Toàn đau xót kể.
“Giá như các bác sĩ bệnh viện đa khoa Vân Đình xem xét khám cho con chúng tôi sớm, chuyển cháu lên tuyến trên từ trước đó, đằng này chuyển lên quá muộn để xảy ra cơ sự này…”, chị Hường run run giọng nói và cho biết “những gì chúng tôi nói đều là sự thật, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về những điều mình nói”.
|
Ông Nguyễn Văn Chương - giám đốc bệnh viện đa khoa Vân Đình |
Hành xử lạ kỳ của vị giám đốc bệnh viện
Để thông tin báo chí được khách quan, đa chiều, nhóm phóng viên đã đến bệnh viện đa khoa Vân Đình để xác minh thông tin phản ánh. Khi chúng tôi có mặt tại bệnh viện đa khoa Vân Đình, thấy cửa phòng làm việc của ông Nguyễn Văn Chương, giám đốc bệnh viện đóng kín, gõ cửa không có người đáp, chúng tôi xuống phòng ông Nguyễn Văn Đông, phó giám đốc bệnh viện.
Lúc này, cửa phòng ông Đông đang mở, bên trong có 4 người đàn ông đang trao đổi tại bàn tiếp khách. Sau lời chào hỏi, giới thiệu là phóng viên, chúng tôi cất tiếng hỏi về vị giám đốc, thì một người mặc áo sơ mi trắng (không xưng danh) yêu cầu chúng tôi xuất trình giấy tờ.
Mặc dù phóng viên đã xuất trình giấy giới thiệu ghi rõ nội dung làm việc nhưng người đàn ông áo trắng nói trên nhất quyết: “Tôi chỉ tiếp chị này thôi vì chị này có thẻ nhà báo, còn chị này không có thẻ nhà báo thì tôi không tiếp. Luật đã quy định thế rồi” (?!), rồi khoát thẳng tay ra phía hành lang nói: “Xin mời chị ra ngoài!”.
Khi phóng viên hỏi quý danh, chức vụ của người đàn ông áo trắng đang làm việc với chúng tôi, ông này mới giới thiệu mình là Nguyễn Văn Chương, giám đốc bệnh viện đa khoa Vân Đình.
Theo lời vị giám đốc: “Đến nay bệnh viện đã giải quyết cơ bản hết nghĩa vụ của mình. Bệnh viện đã có Quyết định giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, có văn bản báo cáo Sở Y tế về việc này. Chúng ta không bàn về vấn đề y đức hay gì ở đây mà tất cả mọi thứ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Y đức hay không y đức thì nó có rất nhiều vấn đề liên quan vì từ bệnh viện này chuyển đến bệnh viện kia. Phó giám đốc bệnh viện Xanh Pôn đã đứng ra giải quyết và trả lời trước trên truyền hình về nguyên nhân tử vong của cháu bé là do bệnh lý bẩm sinh”.
“Sau 30 ngày kể từ ngày ký Quyết định, nếu gia đình không đồng ý với cách giải quyết này thì gia đình có quyền khiếu nại lên cơ quan cấp trên và tòa án. Hiện nay gia đình không nhất trí và đã gửi đơn lên Sở Y tế. Sở đang chuẩn bị lập hội đồng chuyên môn cấp Sở và mời cả chuyên gia của Bộ để tổ chức xác định nguyên nhân ở đâu, đúng hay sai. Còn nếu gửi ở Tòa án thì có sơ thẩm, phúc thẩm, rồi giám đốc thẩm.
Nếu người ta giải quyết mà ở đây sai thì người ta bác ở đây, lên cơ quan cấp trên, có trình tự rồi. Có nghĩa là ở đây giải quyết là xong ở cái mức này rồi mà nếu cấp trên giải quyết tiếp mà ở sai thì ở đây chịu và cùng lắm là ra tòa thì tòa mời bên đấy thuê luật sư, chúng tôi thực hiện theo quyết định của Tòa”, vị giám đốc tiếp lời.
Người đứng đầu Bệnh viện đa khoa Vân Đình nhấn mạnh: “Họ (gia đình sản phụ) nói là họ nói thôi nhưng chúng tôi bảo không”. Ông Chương thẳng thừng: “Hiện nay ở đây không giải quyết nữa mà đã báo cáo cấp trên, báo cáo Sở Y tế rồi và gia đình người ta đã gửi đơn lên trên rồi... Có nghĩa là việc này đến đây giải quyết xong rồi”.
Đáng nói là, không chỉ làm “khó” phóng viên khi tự đặt ra quy định “phải có thẻ nhà báo mới tiếp”, vị giám đốc còn nói những câu lạ lùng, khó hiểu như: “Tôi nói cho cô nghe, con tôi làm nhà báo VTC, em tôi làm VOV, tôi nói cho cô biết!”.
Bà Trần Thị Oánh, Chủ tịch UBND xã Vạn Thái cũng cho biết, phải tới khi đích thân bà có đề nghị phía bệnh viện “xuống thắp cho cháu bé một nén hương” vào một ngày giữa tháng 3/2017 (tức sau 3 tháng kể từ ngày cháu bé mất), vị giám đốc mới xuống thắp hương cho cháu bé.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Nguyễn Dương Trung, Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở Y tế Hà Nội đang vào cuộc làm rõ nguyên nhân khiến cháu bé 3 ngày tuổi tử vong sau khi sinh tại bệnh viện đa khoa Vân Đình, cũng như thái độ, trách nhiệm của nhân viên y tế bị người dân phản ánh trong quá trình điều trị cho sản phụ.Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.