Bệnh sử cho thấy, ban đầu, em bị chảy máu 1-2 lần/ngày, mỗi lần mất khoảng 0,2 đến 0,5 ml máu, kéo dài khoảng 10 giây và tự ngừng chảy mà không cần xử trí gì.
Tần suất chảy máu và lượng máu mất mỗi lần tăng dần lên. Bên cạnh đó, bé hay than đau bụng âm ỉ, quấy khóc. Gia đình đã đưa bé đi khám ở nhiều bệnh viện nhưng không tìm ra nguyên nhân.
"Tất cả các xét nghiệm như công thức máu, bilan đông máu, siêu âm bụng và CT scan bụng đều không phát hiện ra bất cứ bất thường nào”, bố bệnh nhi cho biết. Tình trạng trên bắt đầu vào tháng 9/2021.
Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Diễm Trinh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP HCM cho biết, qua khám lâm sàng và thực hiện các chỉ định, nhận thấy sức khỏe bé hoàn toàn bình thường. Lúc này, bác sĩ nghĩ đến hiện tượng “mồ hôi máu”.
Đây là một hiện tượng chưa rõ căn nguyên nhưng y văn thế giới ghi nhận có liên quan đến yếu tố căng thẳng thần kinh, lo âu, sợ hãi, bị stress nặng, kéo dài. Trong 25 năm trở lại đây, thế giới chỉ có khoảng 25 ca.
Riêng với bệnh nhi này, trong thời gian dài giãn cách xã hội do dịch COVID-19, em cũng trải qua những xáo trộn tâm lí nhất định. Em tỏ ra buồn rầu, đòi được ngủ chung với bố mẹ (dù đã quen ngủ riêng từ năm 5 tuổi).
“Để đánh giá mang tính khách quan, chúng tôi chuyển bé đến thăm khám chuyên gia tâm lí tâm thần, và được chẩn đoán là rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em”, bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Trinh thông tin thêm.
Bệnh nhi sau đó điều trị tâm lí với thuốc an thần và điều chỉnh hành vi. Sau 2 tuần, tình trạng cải thiện. Bé cũng tiếp xúc bạn bè nhiều hơn. Cuối tháng 12/2021, bé đã hết hẳn những đợt chảy máu và cảm giác đau bụng âm ỉ cũng không còn.
Mồ hôi máu hay mồ hôi đỏ (Hematidrosis) là bệnh rối loạn bí ẩn đặc trưng bởi các đợt chảy máu tái phát từ vùng da bình thường dù không có bất kỳ tổn thương nào. Đây là tình trạng hiếm gặp, trong đó các mạch máu mao mạch nuôi tuyến mồ hôi bị vỡ khiến chúng tiết ra máu. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể.
Theo một số nghiên cứu, vị trí chảy máu phổ biến ở mắt và tai, trán; các vị trí khác bao gồm thân, tay, chân, và hiếm khi ở lòng bàn tay, lòng bàn chân… Trong nhiều trường hợp, hiện tượng này xảy ra khi bệnh nhân đối mặt với những cảm xúc hoặc sự kiện có tính chất nghiêm trọng như căng thẳng, stress, nhưng ở những trường hợp khác thì không xác định được nguyên nhân. Chất tiết không phải là máu nguyên bản mà là mồ hôi nhuốm máu.
Dịch tiết này có thể chảy ra từ trán, móng tay, rốn, mũi và thậm chí qua tuyến lệ (dẫn đến nước mắt có lẫn máu). Trong một số trường hợp, mỗi đợt “mồ hôi máu” được báo trước bằng một cơn đau đầu hoặc đau bụng dữ dội. Lượng máu mất đi không đáng kể nhưng da trở nên rất mềm và mỏng manh.
Bệnh có thể được chia ra làm 2 thể tùy vào màu sắc và vị trí chảy máu:
Thể nhẹ, mồ hôi có màu hồng nhạt, xuất hiện ở một số vị trí như trán, lưng, bụng, khi bệnh nhân dùng khăn hoặc mặc quần áo sáng màu, đặc biệt màu trắng sẽ xuất hiện vết màu hồng, đỏ.
Thể nặng, máu lẫn mồ hôi chảy ra từ một số vùng da của cơ thể như: mặt, lỗ mũi, miệng… thậm chí nước mắt cũng có máu.
Hầu như tình trạng chảy máu không kéo dài, mỗi đợt khoảng vài phút và tự ngừng lại, tuy nhiên cũng có một số trường hợp thời gian chảy máu kéo dài hơn. Điều này tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể khiến người bệnh mệt mỏi, mất nước ở thể nhẹ hoặc trung bình và tác động đến tinh thần cà chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.