Cạm bẫy trên mạng
Mới đây, chị T.A.H., ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM phát hiện con gái 13 tuổi lén lút trong phòng riêng chụp ảnh khỏa thân. Sau giây phút hoảng hốt, chị khéo léo tìm hiểu thì biết con có kết bạn với một nhóm bạn trên mạng. Nhóm này rủ rê con chị bán ảnh khỏa thân cho một người giấu mặt, chỉ việc chụp ảnh và gửi, lập tức có tiền gửi vào tài khoản, có thể tha hồ mua sắm. Con chị H. cho biết, đây là lần đầu cháu chụp ảnh khỏa thân do nhóm bạn này xúi giục “kiếm tiền nhanh” để mua điện thoại xịn cho bằng bạn bằng bè. Rất may, hình ảnh chưa được gửi đi thì đã bị mẹ phát hiện. Ngay khi biết bị lộ, nhóm bạn trên mạng kia đã lập tức chặn liên lạc với con chị H.
Thực trạng nhiều kẻ xấu trên mạng dụ dỗ trẻ em tham gia các tệ nạn đã xuất hiện vài năm gần đây. Những kẻ này ẩn núp dưới những cái tên giả, tiếp cận, dụ dỗ trẻ em tham gia nhiều hoạt động như chụp ảnh khỏa thân, chat nhạy cảm, tham gia cuộc gọi video khiêu dâm... Tùy vào đối tượng, những kẻ này thường lấy “mồi câu” là thẻ cào điện thoại, trà sữa, quần áo đẹp hoặc tiền để lôi kéo, dụ dỗ các em tham gia. Có trường hợp, trẻ đã bị dụ dỗ cả năm rồi cha mẹ mới phát hiện.
Gần đây đã xuất hiện tình trạng một số đối tượng lợi dụng trẻ em để tiến hành các buổi livestream (phát trực tiếp) đồi trụy, phục vụ những nhu cầu biến thái, lệch lạc của một bộ phận người lớn. Như vụ việc mới đây, Công an thành phố Lai Châu đã phát hiện một số đối tượng tổ chức livestream hoạt động khiêu dâm, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm để thu lợi bất chính qua một ứng dụng mạng xã hội của nước ngoài.
Nghiêm trọng hơn, có những vụ việc trẻ em bị các đối tượng xấu dụ dỗ trên mạng xã hội, bỏ nhà đi, bị lừa tham gia vào các cơ sở mại dâm trá hình, bị các đối tượng ấu dâm lợi dụng. Chỉ khi cơ quan chức năng tổ chức truy quét, các em mới được giải cứu, trở về với gia đình.
Hậu quả lâu dài
Có thể thấy, trẻ em, thiếu niên chính là đối tượng yếu thế, dễ bị “tấn công” nhất trên mạng xã hội. Các đối tượng xấu trên mạng thường lợi dụng sự ngây thơ và thiếu kinh nghiệm của các em để thực hiện hành vi dụ dỗ, lôi kéo vào con đường tệ nạn. Chúng thường sử dụng các phương thức tinh vi như tạo ra những tài khoản giả mạo, giả danh là bạn bè hoặc người thân quen, sử dụng lời lẽ ngọt ngào, hứa hẹn các món quà, tiền bạc, hoặc cơ hội công việc hấp dẫn để lôi kéo các em.
Nhiều trang mạng xã hội và các ứng dụng nhắn tin đã trở thành công cụ chính để các đối tượng xấu tiếp cận và dụ dỗ các em. Các nhóm chat kín và các trang “web đen” cũng là nơi các hoạt động vi phạm pháp luật diễn ra ngầm nhưng rất sôi động.
Không chỉ tiếp cận trẻ em trên mạng, các băng nhóm tội phạm, thông qua các ứng dụng chat đã gửi những tin nhắn dạng spam (quảng cáo), mời chào các em tham gia các nhóm chat, “web đen”, chia sẻ thông tin để nhận tiền thưởng. Các em cũng có thể bị dụ dỗ vào các hoạt động cờ bạc trái phép, trở thành thành viên của các nhóm môi giới, lừa đảo... mà không ý thức được hậu quả của những hành vi này.
Việc bị dụ dỗ và ép buộc tham gia vào các hoạt động tệ nạn không chỉ gây ra những tổn thương về tinh thần và thể chất cho trẻ mà còn để lại những hậu quả nghiêm trọng lâu dài. Các em có thể bị lạm dụng tình dục, bạo hành, thậm chí bị tổn thương thể chất và tâm lý nặng nề, dẫn đến trầm cảm, lo âu và mất niềm tin vào cuộc sống.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, để ngăn chặn thực trạng trẻ em bị dụ dỗ tham gia vào tệ nạn trên mạng, cha mẹ cần tăng cường giáo dục về an toàn trực tuyến, cung cấp cho trẻ em kiến thức và kỹ năng cần thiết để nhận biết và đối phó với các nguy cơ trực tuyến như làm quen qua mạng, quấy rối trực tuyến, hoặc tiếp xúc với nội dung không phù hợp.
Cha mẹ cần sử dụng các công cụ kiểm soát hoạt động trực tuyến như các phần mềm lọc nội dung, cài đặt cấu hình bảo mật và giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ; Thực hiện việc giám sát hoạt động trực tuyến của trẻ em, bao gồm cả việc kiểm tra lịch sử duyệt web, theo dõi các tài khoản mạng xã hội của trẻ và kiểm tra các ứng dụng mà trẻ đang sử dụng.
Một điều quan trọng nữa là cần tạo ra một môi trường gia đình ấm áp, nơi trẻ cảm thấy thoải mái để chia sẻ về những gì đang gặp trên môi trường trực tuyến và nhận được sự hỗ trợ từ gia đình.
Cạnh đó, gia đình và nhà trường cần hợp tác để cung cấp thông tin giáo dục và hỗ trợ cho trẻ em về an toàn trực tuyến. Trường hợp trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi các tình huống tiêu cực trên mạng, các em cần được cung cấp sự hỗ trợ, điều trị về tâm lý nhằm ổn định tinh thần, giảm bớt những hậu quả do chấn thương tâm lý gây ra.