Được biết, trẻ nhập viện với các dấu hiệu điển hình của uốn ván rốn sơ sinh. Bé đang được điều trị tích cực tại khoa Nhi nhưng vẫn phải thở máy, dùng thuốc chống co giật, kháng sinh chống nhiễm trùng và truyền dịch nuôi dưỡng hoàn toàn qua đường tĩnh mạch.
Trao đổi với gia đình được biết, mẹ bé không khám thai định kỳ, khi sinh được bà cắt rốn tại nhà bằng thanh nứa. Sau sinh 3 ngày, bé bỏ bú, thở yếu, co giật liên tục, nhạy cảm với kích thích. Lúc này gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Theo các bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng, từ đầu năm nay Khoa đã tiếp nhận và điều trị cho 6 em bé với chẩn đoán suy hô hấp, uốn ván rốn sơ sinh, đa phần đều do tự sinh con tại nhà, dùng những dụng cụ không được diệt khuẩn như: dao, tre, nứa, sợi chỉ, thậm chí là sợi thừng để cắt, thắt rốn trẻ sơ sinh.
Uốn ván rốn sơ sinh từ lâu đã được biết là bệnh rất nguy hiểm cho hệ thần kinh trung ương trẻ. Bệnh do trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập qua rốn. Uốn ván rốn sơ sinh có thể gây tử vong lên đến 80%, dù trẻ có sống sót cũng có thể mang di chứng thần kinh, tâm thần suốt đời.
Đây là một căn bệnh nguy hiểm nên các bác sĩ khuyến cáo, khi nghi ngờ trẻ bị uốn ván rốn phải chuyển trẻ đi bệnh viện tuyến trên để điều trị. Để giảm bớt cơn co giật, trong khi di chuyển bệnh nhi y tế cơ sở có thể tiêm thuốc an thần và kháng sinh cho trẻ. Cố gắng di chuyển nhẹ nhàng, tránh tiếng động và ánh sáng làm giảm các cơn co giật.
Hiện nay, bệnh này hoàn toàn có thể dự phòng, phụ nữ mang thai nên khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván đầy đủ và nên sinh tại các cơ sở y tế để được chăm sóc tốt nhất.
Nếu trẻ đẻ trong điều kiện không đảm bảo vô khuẩn, đẻ rơi và người mẹ chưa được tiêm phòng uốn ván trong lúc mang thai thì nên tiêm phòng uốn ván với SAT 1.500 đơn vị, tiêm bắp một lần sau đẻ.