Bế tắc đầu ra, nhà máy đường “dọa” giảm giá mía

Hơn 300.000 tấn đường đang tồn kho, bán được lô nào giá bị giảm lô đó, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có "lời giải" hữu hiệu.

Hơn 300.000 tấn đường đang tồn kho, bán được lô nào giá bị giảm lô đó, trong khi cơ quan chức năng vẫn chưa có "lời giải" hữu hiệu.

Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến giữa tháng 2, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường là 322.250 tấn (kể cả đường thô), tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường là 19.175 tấn. Như vậy, lượng đường tồn kho đến thời điểm này là gần 350 nghìn tấn.

Đây là lượng tồn kho rất lớn, bởi từ đầu vụ mía đến giữa tháng 2, các nhà máy đường đã ép được 8.870.847 tấn mía, sản xuất 767.842 tấn đường (không bao gồm đường thô nhập khẩu và đường thô trong nước cung cấp cho các nhà máy luyện).

Giá đường trong nước vẫn chưa cạnh tranh được so với đường ngoại nhập. (Ảnh minh họa)
Giá đường trong nước vẫn chưa cạnh tranh được so với đường ngoại nhập. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, tiêu thụ đường hiện nay rất chậm. Xuất khẩu tiểu ngạch cũng đang “nằm im” vì Trung Quốc đã tạm đóng cửa biên giới trong những ngày nghỉ Tết và đến giờ vẫn chưa có thông tin mở biên. Hạn ngạch nhập khẩu 73.500 tấn đường trong năm 2013 càng khiến áp lực tồn kho nặng nề thêm.

Tình trạng buôn lậu đường cũng là một yếu tố khiến giá đường trong nước liên tục giảm. “Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng quản lý tốt hơn tình trạng buôn lậu để bảo vệ sản xuất trong nước” – ông Long bức xúc. Cộng dồn các khó khăn trên khiến cho không ít nhà máy đường vô cùng bế tắc.

Một số nhà máy đã giảm giá đường  xuống mức kỷ lục trong vòng mấy năm qua, như Đăk Nông 13.500 đồng/kg, Trà Vinh 13.696 đồng/kg, Cần Thơ 13.800 đồng/kg, Ninh Hòa 14.000 đồng/kg, Bến Tre 14.028 đồng/kg, Nông Cống 14.036 đồng/kg, Cao Bằng 14.299 đồng/kg, Sơn Dương 14.300 đồng/kg, Tate&Lyle 14.550 đồng/kg…

Việc tiêu thụ đường đã “nhúc nhắc” khởi động, song giá đường lại tiếp tục giảm. Cụ thể, giá bán buôn đường kính trắng tại Hà Nội có khá khẩm hơn chút nhưng cũng chỉ ở mức 14.200- 14.600 đ/kg; ở Cần Thơ chỉ còn khoảng 13.800- 14.000 đồng/kg; TP. Hồ Chí Minh 13.700- 14.100 đồng/kg, ở Miền Trung 13.700-13.900 đồng/kg…

Dù vậy, các nhà máy vẫn đang cố gắng duy trì mức giá thu mua mía như đầu tháng 2. Giá mía miền Bắc khoảng 870- 1.000 đồng/kg, miền Trung, Tây Nguyên 900-970 đồng/kg, Đông Nam Bộ 950- 1.150 đồng/kg, ĐBSCL 855- 940 đồng/kg. Tuy nhiên, đại diện nhiều nhà máy  cho rằng, nếu đầu ra xuất khẩu lẫn tiêu thụ đường trong nước còn tiếp tục bế tắc như hiện nay thì “khó mà giữ được giá thu mua mía” như trên trong thời gian tới.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vừa có buổi làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhằm tìm cách tháo gỡ, giải phóng lượng đường tồn kho. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần giám sát chặt thị trường trong nước để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, điều tiết sản lượng đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, không gây sốt giá. Kèm theo đó, về lâu dài sẽ có những chính sách dự trữ mặt hàng đường theo đặc thù riêng, đảm bảo sản xuất trong nước phát triển.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, theo các nhà nhập khẩu đường nguyên liệu, giá nhập khẩu đã có thuế đối với đường RE chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm tương đương sản xuất trong nước lên tới 17.000 đồng/kg. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhu cầu nhập khẩu đường lúc nào cũng hiện hữu trong khi đường nội không bán được.

Mai Hoa

Đọc thêm