Bế tắc tâm lý đáng sợ như thế nào?
Bế tắc là một trạng thái tâm lý của con người trong cuộc sống, khi con người không tìm ra được một giải pháp giúp bản thân thoát ra khỏi hoàn cảnh khó khăn hiện tại hoặc họ buộc phải làm điều mà họ không hề mong muốn mà chưa có cách để thoái thác. Lúc này, người bệnh “vui buồn thất thường”, có lúc vui quá tột độ hoặc có lúc buồn quá mức. Đây là một bệnh lý nội sinh và ngày càng gây ảnh hưởng đến đời sống của con người trong thời hiện đại.
Mặc dù không có những biểu hiện cụ thể ra bên ngoài như những căn bệnh về thể chất nhưng giờ đây, các chuyên gia y tế cũng phải thừa nhận căng thẳng hay stress có tác động đến cơ thể và sức khỏe không khác gì một bệnh về tinh thần.
Căng thẳng kéo dài chính là một trong những nguyên nhân khiến não trở nên kém linh hoạt, kém minh mẫn và có thể bị tổn thương nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc cơ thể bị căng thẳng liên tục hoặc kéo dài sẽ dẫn đến giải phóng một lượng lớn hormone cortisol, góp phần làm xuất hiện bệnh cao huyết áp, béo phì và tiểu đường và gây hại cho cả tim.
Ngoài cortisol, stress còn kích thích tuyến thượng thận giải phóng hormone adrenaline. Khi lượng hormone này tăng cao thì sẽ ảnh hưởng đến phổi khiến hơi thở thường trở nên gấp gáp, không sâu.
Nếu không biết cách điều tiết cảm xúc, người bế tắc tâm lý có thể gây ra những hành động dại dột, không cách nào vãn hồi được. Vì vậy, việc quan trọng nhất mỗi khi cảm thấy chán chường chính là suy nghĩ tích cực để bản thân không rơi xuống đáy vực thẳm.
Mới đây nhất, vụ việc 4 người trong 1 gia đình ở xóm Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh được phát hiện chết trong tư thế treo cổ sáng 20/10 khiến cả vùng quê chìm trong nỗi đau đớn, ảm đạm. Theo kết quả điều tra ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Thành cùng vợ và hai người con là túng quẫn do nợ nần.
Trên cơ sở kết quả khám nghiệm hiện trường, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chết của 4 nạn nhân là do treo cổ. Tại hiện trường, phát hiện có hai bức thư của vợ chồng nạn nhân để lại với nội dung bí bách nợ nần trong cuộc sống nên tìm đến cái chết.
Trong bức thư tuyệt mệnh, anh Thành xin lỗi người thân, bà con làng xóm, các cơ quan, đoàn thể địa phương. Anh Thành nói nguyên nhân tìm đến cái chết là trong vài năm trở lại đây cuộc sống gia đình thực sự vô nghĩa, bế tắc. “Trước khi đưa ra quyết định này thì vợ chồng tôi đã đấu tranh suy nghĩ mất rất nhiều thời gian. Mong mọi người hiểu và cảm thông cho chúng tôi. Cuộc sống này chán lắm mọi người à, bao nhiêu áp lực, buồn phiền, bế tắc dường như không có lối thoát với chúng tôi”, bức thư của anh Thành để lại viết.
Sự việc trên là minh chứng cho sự cùng quẫn, bế tắc tâm lý đã lên đến đỉnh điểm khiến nạn nhân phải tự tìm đến cái chết như một sự giải thoát. Đó cũng là một sự giải thoát đáng phê phán. Những nạn nhân của căn bệnh bế tắc tâm lý đều là những người “vừa đáng thương, vừa đáng trách”.
Liệu có thể khai thông tâm lý, giải cứu chính mình?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến con người phải đối mặt với sự bế tắc, căng thẳng và áp lực. Có những nguyên nhân xuất phát từ nội sinh như bên trong con người đã có mầm bệnh. Hoặc tác động từ tâm lý như stress trong thời gian dài do áp lực quá lớn trong quá trình học tập, làm việc; những biến cố lớn trong đời sống chưa giải quyết được, lạm dụng chất cồn, chất gây nghiện; do tiền sử bệnh tâm thần của gia đình...
Chị Lê Thị Thắm, 25 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi sau khi đã điều trị căn bệnh bế tắc tâm lý trong một thời gian khá dài: “ Nó khiến tôi lúc nào cũng cảm thấy chán chường, chán ghét cuộc sống. Mới ngày đầu, tôi rất hay than vãn, thời gian đó, tôi có nói chuyện với 1 bạn cũng có những áp lực công việc giống tôi và dần dần trong đầu tôi xuất hiện những ý nghĩ rất tiêu cực chẳng hạn như cắt tay tự tử”.
“Tôi nhận thấy mình lúc đó như dần mất đi niềm tin với sự sống, cảm nhận thấy mọi người xung quanh không ai có thể đồng cảm, chia sẻ với mình được nữa. Tôi không còn tin tưởng bất kỳ ai. Sau khi điều trị một thời gian về mặt tâm lý, đến bây giờ nghĩ lại những ngày tháng đó, tôi cảm thấy như đó là một cơn ác mộng chỉ toàn bóng đêm giăng lối”, chị Thắm tâm sự thêm.
Các chuyên gia tâm lý nhận định, trạng thái đầu tiên của bệnh là cảm giác buồn bã, luôn thấy cô đơn dù đang ở giữa rất nhiều người. Dễ xúc động, hay âu lo, đánh mất ý chí, nghị lực. Luôn thờ ơ với cuộc sống cũng như mất đi những thú vui hàng ngày, đôi lúc xuất hiện những ý nghĩ bi quan, đau khổ, bế tắc về cuộc sống và thế giới xung quanh.
Dằn vặt bản thân vì lỗi lầm trong quá khứ hay tự cho mình là vô dụng dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát. Các triệu chứng này thường gia tăng vào buổi sáng và giảm nhẹ vào buổi chiều.
Như vậy, sự bế tắc tâm lý có thể xuất hiện mỗi ngày trong mỗi chúng ta, tuy nhiên nó ở mức độ ít hay nhiều và với tuần suất lặp lại như thế nào? Vậy lối thoát nào cho sự bế tắc này? Hãy học cách cân bằng, không để stress quá nhiều chuyển bạn sang trầm cảm. Xử lý các ức chế của bạn mỗi ngày, không giữ lại những bực bội trong tư tưởng và đón nhận mọi sự cố trong cuộc đời mình một cách nhẹ nhàng nhất.
Sống thật với cảm xúc của mình! Khi có sự cố phải đối đầu với nó và tìm cách giải quyết “lỗ hút năng lượng của mình” từ gốc rễ của vấn đề. Tuyệt đối không phó mặc cảm xúc của mình hay khoả lấp vấn đề của mình bằng những thú vui tạm thời.
Nếu bạn đang cô đơn, hãy tìm cách xử lý vấn đề ấy. Hãy tìm đến sự trợ giúp, chia sẻ của người trong gia đình, bạn bè tin cậy. Không cần che giấu, sống ảo trên mạng xã hội để rồi khi cô đơn nhất, không ai bên cạnh lại nhận ra cuộc sống thật sự quá tẻ nhạt, nhàm chán, không như trên mạng ảo.
Cho dù bạn đang chán chường hay cuộc sống bế tắc đến mấy, hãy luôn tự tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ, thiết lập những kế hoạch và tạo ra động lực mới để có thể yêu đời trở lại. Cốc nước đầy một nửa hay vơi một nửa là do cách nhìn nhận của mỗi người, cuộc sống tươi vui phơi phới hay bế tắc tuyệt đối cũng là do suy nghĩ của chúng ta mà thành.