Bế tắc và tàn nhẫn, mẹ giết con rồi tự sát

(PLO) -Có câu “hổ dữ không ăn thịt con” nhưng vì sao thời gian vừa qua lại liên tiếp xảy ra những thảm án đau lòng trong gia đình, trong đó có không ít vụ mẹ hại chết con rồi tự sát. Báo Câu chuyện Pháp luật đã trao đổi với một số chuyên gia nhằm tìm ra nguyên nhân, lên tiếng cảnh báo cũng như ngăn chặn tình trạng này.
 
Bế tắc và tàn nhẫn, mẹ giết con rồi tự sát

Những vụ án đau lòng

Khoảng 10h30 ngày 15/5 vừa qua, người dân sống quanh hẻm 442B Bình Giã, phường Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu bàng hoàng nghe thấy một tiếng nổ lớn phát ra từ nhà chị Bùi Thị Thu Hồng (36 tuổi). Đoán có chuyện chẳng lành, nhiều người phá cửa xông vào thì thấy phòng ngủ của chị Hồng khóa trái, bên trong có tiếng kêu khóc của hai đứa con là cháu Hồ Thị Ánh Nguyệt (10 tuổi) và Hồ Hoàng Long (5 tuổi).

Một số người dân địa phương nỗ lực phá cửa phòng vào được bên trong thì thấy cả ba mẹ con chị Hồng bị bỏng nặng. Điều đáng nói, trong phòng mùi xăng nồng nặc. Các nạn nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nhưng do thương tổn nặng nên tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng I điều trị.

Gia đình cho biết, chị Hồng bị bệnh tim bẩm sinh, sức khỏe khá yếu, sinh được hai người con nhưng chỉ có bé Ngọc lành lặn, còn cháu Long bị liệt từ nhỏ. Khoảng 1 năm nay, vợ chồng chị thuê trọ ở đường Bình Giã để mở tiệm điện lạnh. Hằng ngày chị Hồng chỉ quanh quẩn làm việc nhà và chăm sóc con trai bị bại liệt. Mọi chi phí trang trải gia đình đều đổ lên vai người chồng.

Thời gian gần đây, do cuộc sống khó khăn nên hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Hiện tại, cơ quan công an vẫn đang khẩn trương điều tra vụ việc. Tuy nhiên, qua các chứng cứ thu thập tại hiện trường và thông tin ban đầu, cơ quan công an bước đầu đưa ra nhận định đây là một vụ án tự thiêu.

Trước đó, ngày 19/4/2016, tại thôn Lễ Độ, xã Kim Anh, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cũng xảy ra vụ án đau lòng, chị Trần Thị Huế (SN 1982) ép 2 con là Nguyễn Mạnh Huy (SN 2008) và cháu Nguyễn Mạnh Hoàng (SN 2011) cùng uống thuốc diệt cỏ. Nguyên nhân vụ việc được xác định xuất phát từ việc tòa án chấp thuận xử ly hôn hai vợ chồng, dẫn đến người vợ quẫn trí gây nên vụ việc đau lòng.

Khi cháu Hoàng không chịu uống, chị Huế đã dùng dao đâm vào bụng con làm cháu Hoàng tử vong tại chỗ. Tiếp đó chị Huế ép cháu Huy cùng uống thuốc diệt cỏ. Sau khi ngậm thuốc diệt cỏ trong miệng, cháu Huy chạy vội ra vườn nhổ, nôn và kêu cứu. Chị Huế và cháu Huy được gia đình đưa đi cấp cứu nhưng cuối cùng cả hai mẹ con cũng đều không qua khỏi.

Di ảnh cháu Nguyễn Mạnh Huy
Di ảnh cháu Nguyễn Mạnh Huy

Tương tự, cũng xuất phát từ mâu thuẫn với chồng, vào trưa 9/3/2016, Bùi Thúy Ngân (25 tuổi) dẫn con trai Phạm Nguyên (3 tuổi, ngụ phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) đến thuê phòng nghỉ theo giờ tại một nhà nghỉ thuộc khu phố 1 (phường Trảng Dài, TP.Biên Hoà).

Đến khuya cùng ngày, không thấy hai mẹ con xuống trả phòng, nhân viên nhà nghỉ đến phòng tìm nhưng gọi cửa không ai trả lời. Mở cửa vào trong thì phát hiện bé Nguyên nằm chết trên giường, trên người phủ kín một chiếc chăn mỏng. Cạnh đó là người mẹ trẻ 25 tuổi nằm gục trên vũng máu, cánh tay và cổ chị này có nhiều vết đâm.

Tổ chức khám nghiệm hiện trường, cảnh sát tìm thấy lá thư tuyệt mệnh của chị Ngân để lại. Nội dung bức thư thể hiện tâm sự buồn bực và lý giải cho việc sát hại con rồi tự tử là vì mâu thuẫn với chồng. Qua khám nghiệm pháp y, cơ quan chức năng nhận định người mẹ đã cho con trai 3 tuổi uống thuốc độc sau đó dùng vật nhọn đâm vào tay, cổ mình tự sát.

Bi kịch của gia đình và xã hội

Trao đổi với phóng viên, Đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn (Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm và điều tra tội phạm, Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi mẹ sát hại con rồi tự tử chính là do những bế tắc trong giải quyết mâu thuẫn hoặc vướng mắc trong cuộc sống.

“Bản thân những người mẹ này gặp phải hoàn cảnh sống không thuận lợi, có thể do mâu thuẫn với chồng hoặc người thân, mắc bệnh kéo dài nên bi quan, chán nản, suy nghĩ tiêu cực hoặc do hoàn cảnh quá khó khăn, rơi vào cảnh ngặt nghèo nhưng không biết cách vượt ra, cũng có thể là tích hợp của nhiều nguyên nhân dẫn đến họ có những suy nghĩ nông nổi và hành động một cách mù quáng”, Đại tá Thìn nhận định.

Ngoài ra, theo Đại tá Thìn, cũng cần xét đến các nguyên nhân khác như họ có thể mắc bệnh về tâm thần, tâm lý không ổn định, mặc cảm, hay suy nghĩ tiêu cực, thiếu ý chí trong cuộc sống, thiếu các kỹ năng giải quyết những vướng mắc trong đời sống thường ngày.

Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là người thân và những người xung quanh chưa thực sự quan tâm đến tâm tư, tình cảm, cuộc sống của họ cũng như quan tâm giải quyết những mâu thuẫn, khó khăn, vướng mắc của họ nên họ thấy cô đơn, bế tắc...

Những vụ tự sát cùng với con cái thường cho thấy những bà mẹ này có sự nhận thức rất hạn chế, nông cạn. Nhiều người cho rằng mình chết đi thì con cái không ai chăm sóc, con cái sẽ khổ ải, dẫn tới suy nghĩ “cùng chết là giải thoát cho tất cả”.

Cũng không loại trừ khả năng có những người vợ vì ích kỷ, muốn trả thù người còn sống (chồng hoặc người thân). Thậm chí có người còn suy nghĩ triệt giống nòi của nhà chồng để chồng phải đau đớn. Vì thế để trả thù cho những gì chồng gây ra cho mình, nhiều bà mẹ đã nhẫn tâm sát hại cả những đứa con của mình.

Đại tá, PSG.TSĐỗ Cảnh Thìn
Đại tá, PSG.TSĐỗ Cảnh Thìn

“Đây là sự ấu trĩ vô cùng, đồng thời cũng phản ánh rõ nét sự kém cỏi về nhận thức, vô đạo đức và tàn nhẫn. Họ không hiểu rằng những đứa con của mình vô tội và quyền sống là quyền thiêng liêng nhất không ai có quyền xâm hại, quyền đó được pháp luật bảo vệ”, PGS.TS Thìn nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý học, TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội) cho rằng, sự gia tăng các trường hợp mẹ giết con rồi tự tử thời gian qua phản ánh những vấn đề xã hội. Con người không sống đơn độc, mỗi gia đình không sống đơn độc mà trong mối tương tác với những người xung quanh và với cộng đồng xã hội.

“Xét về mặt đạo đức và pháp luật, mẹ giết con là hành vi không thể chấp nhận được nhưng nếu nhìn dưới góc độ nhân văn, người gây án cũng chính là nạn nhân thường bị nỗi bức xúc, thiệt thòi dồn nén lâu ngày, bức bí trong cuộc sống, trong khi họ thiếu kỹ năng sống, không tìm được người để chia sẻ... nên đã dẫn đến việc cảm xúc lấn át lý trí và hành động tiêu cực, đi trái với đạo đức con người”, TS Khuất Thu Hồng nhận định.

Theo bà, hiện nay, việc tìm đến bác sĩ tâm lý khi gặp vấn đề rắc rối, bế tắc trong cuộc sống… đối với nhiều người ở Việt Nam còn rất lạ lẫm. Nhiều người sống trong bế tắc, căng thẳng nhưng lại chưa một lần tìm gặp những bác sĩ tâm lý để được nói chuyện, khơi gợi, giải phóng những uẩn ức, suy tư trong lòng. Trong khi đó, cộng đồng và những người thân của chính họ lại coi đó là “chuyện của người ta”. Ở đây, rất cần vai trò của các tổ chức đoàn thể, hội và gia đình.

Ở nước ta, hiện đã có khá nhiều đơn vị hoạt động tư vấn, tham vấn, hỗ trợ cộng đồng và các hội, đoàn thể. Tuy nhiên, tính thiết thực và độ phủ của hoạt động này còn nhiều hạn chế, khiến một người muốn tìm người, tìm nơi tin cậy để giải tỏa bế tắc thì không biết tìm ở đâu.

TS Khuất Thu Hồng
TS Khuất Thu Hồng

TS Khuất Thu Hồng cho rằng, cần có một tổng đài tư vấn tâm lý với số điện thoại dễ nhớ, độ phủ sóng rộng khắp các tỉnh thành cả nước với sự liên kết ban, ngành, đoàn thể các địa phương đến tận xã, phường để giúp đỡ cộng đồng. Nếu có số điện thoại này, ít nhất những ông bố, bà mẹ đang bế tắc sẽ tìm được sự thấu hiểu sẻ chia hay động viên, định hướng… mà không phải câm lặng chịu đựng đến mức phải bức tử những đứa con do mình dứt ruột sinh ra.

Mặt khác, TS Hồng cũng nhìn nhận, nhiều người trẻ hiện nay được “nuôi” tốt, nhưng chưa được “dạy” tốt. Trước khi lập gia đình, thanh niên cần tham gia các lớp tiền hôn nhân để được trang bị kiến thức về tổ chức gia đình, được học cách chia sẻ cùng những kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn phát sinh trong đời sống gia đình./.

Đọc thêm