Bé trai 13 tuổi nhập viện vì tự chế pháo nổ

(PLVN) - Xem clip hướng dẫn làm pháo trên internet, bé trai 13 tuổi đã mua hóa chất lưu huỳnh và KCL03 về chế. Hậu quả, bé nhập viện cấp cứu với trong tình trạng 2 mắt bị cháy lông mi, bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc độ I.
Ths. Bs. Đặng Thị Phương khám mắt cho trẻ.
Ths. Bs. Đặng Thị Phương khám mắt cho trẻ.

Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí mới tiếp nhận bé N.Đ.M (SN 2007 trú tại Xã Hiệp Hòa, Thị xã Quảng Yên) vào cấp cứu do chế pháo nổ tại nhà.

M nhập viện trong tình trạng cả 2 mắt bị cháy lông mi, bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc độ I.

Theo lời người nhà, bé M đã xem clip hướng dẫn làm pháo trên internet và tự mua hoá chất về làm. Khoảng 10h ngày 12/1 M tự trộn 2 loại hóa chất lưu huỳnh và KCLO3 (10.000đ - 12.000đ/túi nhỏ) với than hoa làm pháo nổ và đốt thử bằng bật lửa. 

Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên, chất nổ bắn vào mặt khiến bé trai đau rát trán, cả 2 mắt rát kèm cộm, đau, mắt không mở được. Sau tai nạn, bé đi rửa mặt và nằm nghỉ ngơi nhưng không đỡ. M được gia đình đưa đến bệnh viện.

Tại khoa Cấp cứu - Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, các bác sĩ khám và chẩn đoán cả 2 mắt trẻ bị bỏng da mi độ I, bỏng kết giác mạc độ I, thị lực hai mắt đo được 7/10. Trẻ được rửa vết thương, tra thuốc kháng sinh, tăng cường dinh dưỡng giác mạc, băng mắt, sử dụng thuốc giảm đau và tiếp tục theo dõi điều trị tại khoa Mắt.

Đến ngày 13/1, mắt trẻ tiến triển tốt: mắt mở tự nhiên, mắt và mặt đỡ đau rát, nhìn rõ hơn.  

Theo Ths. Bs. Đặng Thị Phương - Phó Trưởng khoa Mắt vào dịp Tết thường có người bệnh bị tổn thương mắt phải nhập viện do sử dụng/tự chế pháo nổ. Trường hợp bệnh nhi M rất may mắn vì lượng hoá chất trẻ sử dụng không nhiều (khoảng 1 thìa nhựa dùng ăn sữa chua - theo lời trẻ) nên chỉ gây tổn thương mức độ nhẹ cho mắt. Nếu lượng chất nổ nhiều có thể gây ra vụ nổ lớn dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng như vết thương xuyên nhãn cầu (thủng mắt) ảnh hưởng nặng nề tới chức năng mắt, nguy cơ mù loà…

Đọc thêm