Bé H.K.N. (18 tháng tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai trưa 24/3 trong tình trạng mất nước nặng: môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt.
Trước đó, N. lên cơn co giật nặng, mắt trợn ngược, toàn thân tím tái và gần như mất ý thức. Với chẩn đoán bị nhiễm khuẩn tiêu hoá dẫn đến mất nước cấp, rối loạn điện giải gây co giật, cháu nhanh chóng được truyền dịch, làm các xét nghiệm cơ bản, siêu âm tim, chụp sọ não, chọc dịch não tủy.
Tại bệnh viện, N. thêm 4 lần co giật khoảng 30 giây - 1phút/ lần và các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc để cắt cơn giật.
Chứng kiến con trai vật vã giữa sự sống và cái chết, anh Hoàng Cao S. bàng hoàng kể, 3 ngày trước khi vào viện, N. bị tiêu chảy ăn uống kém và mệt, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Bạch Mai khám và được bác sĩ kê đơn, trong đó có thuốc Oresol. Tuy nhiên khi ra hiệu thuốc mua, người bán hàng nói đã hết thuốc Oresol và đưa thực phẩm chức năng dạng Oresol đã pha sẵn.
Thực phẩm chức năng dạng Oresol gia đình đã cho N. sử dụng. Ảnh do gia đình cung cấp cho bệnh viện. |
Tuy nhiên, sau khi uống, sức khỏe em bé không cải thiện mà có biểu hiện trầm trọng hơn. "Lúc này mấu chốt của vấn đề mới được làm sáng tỏ, loại Oresol mình mua ở hiệu thuốc thực tế là thực phẩm bổ sung với thành phần và hàm lượng không đủ so với loại Oresol được kê trong đơn. Loại mình mua là một chai pha sẵn 250ml, bán đầy trên Lazada và các chợ online, các mẹ hay mua đồ online chỉ cần search cái là thấy. Đây là bài học mình muốn chia sẻ để cả nhà cùng thêm chút ý thức và hiểu biết khi mua thuốc cho con cũng như chăm sóc gia đình”, anh S. chia sẻ.
Sau 4 ngày theo dõi và tích cực điều trị, sức khỏe của bệnh nhi dần ổn định và đã được xuất viện.
BS Tuấn Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, khuyến cáo, khi sử dụng oresol phụ huynh phải đọc kỹ hướng dẫn cách pha, tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định (pha chính xác lượng nước, không ước lượng, áng chừng). Khi pha dung dịch với nước phải uống hết trong vòng 24h, sau 24h nên bỏ đi và pha gói mới.
"Tuyệt đối không bảo quản trong tủ lạnh cho trẻ uống dần, không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng. Không đun sôi dung dịch đã pha, tuyệt đối không cho thêm đường, không pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt…", BS Tuấn Anh lưu ý.
Cũng theo chuyên gia nhi khoa, phụ huynh không được dùng thực phẩm chức năng dạng Oresol để thay thế cho thuốc Oresol. Đặc biệt, khi thấy con có biểu hiện bất thường như uống không đủ liều Oresol, mệt mỏi, ngủ li bì khó đánh thức, môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt thì phải cho trẻ vào viện ngay. Đó là những dấu hiệu của việc mất nước nặng mà nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ rất nguy hiểm cho trẻ".