Bé trai bị chó nhà vồ lên cắn xé

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bé trai 7 tuổi đi ngang qua gốc cây thì bị con chó n vồ lên cắn xé vào đùi trái gây thương tích và chấn động mạnh về tinh thần.
Bé trai bị chó cắn vào đùi trái và chấn động mạnh về tinh thần. Ảnh: Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên
Bé trai bị chó cắn vào đùi trái và chấn động mạnh về tinh thần. Ảnh: Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên

Thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh), gần đây trên địa bàn thị xã Quảng Yên đã xảy ra nhiều trường hợp bị chó cắn rất thương tâm.

Điển hình như ngày 10/3/2024, đơn vị này có tiếp nhận bệnh nhân P.T.H, sinh năm 2017, bị chó cắn vào đùi trái, và chấn động mạnh về tinh thần.

Theo người nhà kể lại, bệnh nhân bị chó của gia đình cắn. Con chó dù đã được gia đình xích dưới gốc cây, nhưng do dây xích dài, khi bé H. đi qua con chó đã vồ lên cắn xé.

Nhập viện tại khoa Ngoại, Trung tâm Y tế thị xã Quảng Yên, vết thương của bệnh nhân có kích thước gần 2cm, sâu gần 1,5cm, mép nham nhở vào khoa bệnh nhân được các bác sĩ xử trí rửa vết thương, tiêm uốn ván, dùng thuốc kháng sinh, chống viêm và giảm đau.

Sau 2 ngày điều trị tại khoa ngoại, hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã có nhiều chuyển biến, hiện tại bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, ổn định hơn về tinh thần, vết thương ổn định, đã được tiêm huyết thanh kháng bệnh dại và vắc xin phòng dại, bệnh nhân có thể đi lại được. Hiện tại, các y, bác sĩ đang tích cực chăm sóc, điều trị cho cháu.

Trước đó, 7 ngày bệnh nhân T.G.H, sinh năm 2016, bị chó cắn vào mặt, cổ, đã được xử trí khâu vết thương phức tạp ngoài mặt. Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhi bị chó cắn khi bước lại gần chó nhà lúc chó đang ăn nên bị chó quay ra cắn xé. Nhập viện, tại khoa Ngoại, bác sĩ thăm khám và xử trí dùng thuốc kháng sinh, giảm nề, thay băng vết thương tránh nhiễm trùng, tiêm uốn ván và tiêm huyết thanh kháng bệnh dại, vaccine phòng dại.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp bị chó cắn, vì vậy để phòng tránh bệnh Dại, các bác sĩ khuyến cáo, cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, khi bị chó, mèo cắn, cào. Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.

Đọc thêm