Bé vừa sinh ra đã mắc bệnh rất hiếm gặp nghìn trẻ mới có 1

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa phẫu thuật thành công cho một bé gái 2 ngày tuổi mắc bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp, tỷ lệ 1/5000 đến 1/10.000 trẻ.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.

Theo mẹ của bệnh nhi cho biết, sau khi sinh 1 ngày, trẻ vẫn chưa ăn kèm theo có triệu chứng nôn chớ ra dịch xanh và không đi được phân su.

Sau thăm khám, bé được chẩn đoán tắc ruột sơ sinh nên ngay lập tức được chuyển tuyến xuống Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ.

Tại đây, bệnh nhi đã được hội chẩn thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, kết quả chẩn đoán xác định tắc tá tràng bẩm sinh và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu lúc 2 ngày tuổi.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện phần xuống của tá tràng của bệnh nhi bị tắc hoàn toàn, nguyên nhân do tụy bọc quanh tá tràng gây tắc (tụy nhẫn). Các phẫu thuật viên đã tiến hành phẫu thuật nối tá – tá tràng, lập lại lưu thông tiêu hóa cho bệnh nhi.

Hậu phẫu ngày thứ 2, bệnh nhi đã có thể đi ngoài tốt, miệng nối lưu thông. Ngày thứ 5 sau phẫu thuật, trẻ đã được bú mẹ, các chỉ số sinh tồn hoàn toàn bình thường, vết mổ khô ráo, đảm bảo vấn đề thẩm mỹ.

ThS. BS Nguyễn Đức Lân – Trưởng khoa Ngoại nhi tổng hợp của bệnh viện cho biết, với tỉ lệ mắc từ 1/5.000 đến 1/10.000 trẻ sinh ra, tắc tá tràng được coi là một bệnh lý hiếm gặp ở trẻ sơ sinh. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, ruột của bệnh nhi có thể hoại tử và gây ra các biến chứng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh có thể do những nguyên nhân bẩm sinh từ bên trong lòng tá tràng cũng như bên ngoài tá tràng. Tắc tá tràng thường có những biểu hiện sớm sau sinh như: nôn dịch sữa và dịch xanh, vàng. Tuy nhiên, với sự phát triển của siêu âm chẩn đoán trước sinh như hiện nay, bệnh lý tắc tá tràng bẩm sinh hoàn toàn có thể phát hiện sớm ở thời kỳ bào thai.

Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, các sản phụ trong quá trình mang thai cần thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng và các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi nếu có. Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

Đọc thêm