Giao thầu rồi hủy thầu
Năm 2004, UBND xã Vân Phúc tổ chức đấu thầu bến đò ngang Vân Phúc với mục đích phục vụ nhu cầu đi lại của người dân huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) và huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) qua sông Hồng. Người trúng thầu là ông Bùi Xuân Thức bằng Hợp đồng số 01/HĐ-KT thực hiện khai thác vận chuyển tại bến đò xã Vân Phúc, giá trị hợp đồng 80 triệu đồng/năm, thời hạn đến hết ngày 15/4/2011.
Sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng khai thác bến đò, ngày 22/3/2011, UBND huyện Phúc Thọ ban hành Công văn số 160/UBND về việc giao cho UBND xã Vân Phúc gia hạn hợp đồng bến đò ngang và không giao thầu hoặc đấu thầu lâu dài, để thuận tiện cho việc thực hiện dự án nâng cấp bến đò ngang thành bến phà Vân Phúc.
Ngày 1/6/2015, UBND xã Vân Phúc có Tờ trình số 21/TT-UBND về việc cho phép giao thầu bến đò ngang và giao thầu đất công để mở rộng bến đò xã Vân Phúc. Tại tờ trình, UBND xã đề xuất huyện xem xét giải quyết cho xã được thực hiện việc giao thầu chuyên chở đò ngang xã Vân Phúc với thời hạn 5 năm để chủ hợp đồng yên tâm đầu tư vào việc mua sắm trang thiết bị phục vụ nhân dân. Ngày 3/6/2015, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên có bút phê vào Tờ trình với nội dung đồng ý với đề xuất, đồng thời yêu cầu UBND xã thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định.
Ngày 15/6/2015, UBND xã Vân Phúc ký hợp đồng giao thầu bến đò ngang với ông Bùi Xuân Thức. Theo đó, mỗi năm ông Thức sẽ nộp 240 triệu đồng cho UBND xã. Tính đến ngày 30/6/2019 (hợp đồng đã thực hiện 4 năm 15 ngày), ông Phúc đã nộp cho UBND xã Vân Phúc hơn 1 tỷ đồng.
Nhận thấy việc giao thầu của UBND xã Vân Phúc trái quy định, ngày 15/5/2019, UBND huyện Phúc Thọ ban hành Công văn số 526/UBND-QLĐT yêu cầu UBND xã Vân Phúc thanh lý hợp đồng giao thầu với ông Thức. Đến ngày 1/7/2019, UBND xã tiến hành lập biên bản thanh lý hợp đồng, nhưng ông Thức không ký, không nhận biên bản thanh lý hợp đồng. Xã Vân Phúc lập biên bản.
UBND xã Vân Phúc nói gì?
Tuy đã bị hủy hợp đồng thầu, nhưng theo ghi nhận của PV, hiện bến đò ngang Vân Phúc vẫn khai thác, hoạt động. Hàng ngày chủ đò cho những con đò “ăn khách”, vận chuyển xe 4 chỗ, 7 chỗ, thậm chí xe tải qua sông.
Ông Đặng Quang Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Phúc cho biết: “Theo quy định thì hiện bến đò không được vận hành. Đặc biệt, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua sông thì bến đò này không được chở xe máy, không được chở ô tô”.
Cũng theo ông Tuyên, bên cạnh việc thanh lý hợp đồng, UBND xã cũng có báo cáo UBND huyện Phúc Thọ phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu theo quy định. Việc quản lý bến đò cũng thuộc thẩm quyền của Sở GTVT TP Hà Nội, thế nhưng từ đó đến nay Sở vẫn chưa có động thái nào để tiến hành việc đấu thầu. Do đó, một năm nay xã cũng không thu được ngân sách.
Ông Tuyên xác nhận có việc ông Thức bất chấp các quy định, vẫn tự ý khai thác bến đò khi xã hủy hợp đồng thầu. Địa phương đã phối hợp Cảnh sát giao thông đường sông lập biên bản vi phạm hành chính hai lần.
Về trách nhiệm quản lý của UBND xã Vân Phúc ra sao khi ông Thức vẫn tiếp tục vi phạm, khai thác khách không đúng quy định? Ông Tuyên cho biết, trước mắt đã giao phía công an xã để hạn chế thấp nhất hoạt động chở khách, hàng hóa trái phép. “Thế nhưng lực lượng công an không thể lúc nào cũng túc trực ở đó được. Còn bây giờ nếu kiểm tra phát hiện thì vẫn lập biên bản xử phạt hành chính. Xã cũng mong UBND huyện cùng Sở GTVT sớm phối hợp tổ chức đấu thầu để phục vụ nhân dân, cũng là để đảm bảo thực hiện đúng theo quy định”, ông Tuyên nói.