Khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế thủy sản
Với lợi thế bờ biển dài 65km, ngành kinh tế biển Bến Tre trong thời gian qua đã có nhiều bước chuyển tích cực. So với 7 tháng đầu năm cùng kỳ năm 2020, Bến Tre có sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 139.059 tấn (tăng 0,96%).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bến Tre, hiện tỉnh có 50.000 ha diện tích tiềm năng nuôi thủy sản. Tính đến năm 2020, Bến Tre đã khai được 45.747 ha nuôi thủy sản, tổng sản lượng nuôi đạt hơn 295.000 tấn. Trong đó, có 36.000 ha nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh; sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 70.000 tấn.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vùng ven biển Bến Tre thời gian qua được tập trung đẩy mạnh (Ảnh minh họa) |
Tính đến cuối tháng 7/2021, tổng diện tích nuôi tôm công nghệ cao tại Bến Tre là 1.950ha, tăng 270 ha so với cuối năm 2020. Riêng sản lượng nuôi tôm công nghệ cao đạt 23.000 tấn. UBND tỉnh Bến tre đã lên các phương án hợp tác kết nối hỗ trợ mô hình cho 3 vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đối với 3 huyện biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Trong đó, Ba Tri có 100 ha, Bình Đại có 2.029 ha, Thạnh Phú có 100 ha. Hướng đến năm 2025, Bến Tre sẽ có 4.000 ha nuôi tôm nước lợ (tôm thẻ, tôm sú) ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, huyện Ba Tri 500 ha, huyện Bình Đại 2.000 ha và huyện Thạnh Phú 1.500 ha. Sản lượng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao dự kiến đạt 144.000 tấn. Đến năm 2030 diện tích nuôi tôm biển đạt 42.000 ha, sản lượng ước đạt 150.000 tấn.
Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng ven biển
Hiện tại, 3 cảng cá Ba Tri, Thạnh Phú và Bình Đại đều đạt tiêu chí cảng loại II. Từ đầu năm đến nay, hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các cảng cá khá ổn định. Tổng số tàu lên hàng là 936 lượt, với 14.762 tấn sản lượng hàng thủy sản qua cảng.
Để đáp ứng cho nhu cầu dịch vụ hậu cần trên biển, Bến Tre đã đầu tư xây dựng dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Ba Tri với 43 ha (gồm khu bến cảng và hậu cần 20 ha, khu neo đậu tàu 23 ha).
Cùng với đó, Bến Tre xây dựng dự án mở rộng cảng cá Bình Đại (giai đoạn I) có tổng diện tích 3,31 ha, gồm cầu tàu 600 CV, nhà tiếp nhận phân loại và trạm xử lý nước thải. UBND tỉnh Bến Tre cũng đã đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa cảng cá Bình Đại vào quy hoạch cảng cá loại I, đồng thời bổ sung cảng cá Ba Tri là cảng cá loại I trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ngoài ra, trong thời gian tới Bến Tre sẽ tập trung vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm, nhất là giải phóng mặt bằng cho Khu công nghiệp Phú Thuận, đường vào cầu Rạch Miễu 2, tuyến đường ven biển. Hoàn tất hồ sơ, thủ tục để triển khai tuyến động lực ven biển, thành lập khu kinh tế ven biển, đầu tư các khu, cụm công nghiệp lấn biển. Đặt mục tiêu giữ vững thị phần trên các thị trường xuất khẩu truyền thống, đồng thời mở rộng thị trường tiềm năng khác.
Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp 3 huyện ven biển chiếm 30% và đến năm 2030 chiếm 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Bến Tre.
Đẩy mạnh tiến độ xây dựng năng lượng tái tạo
Bến Tre phấn đấu cuối năm 2021 đưa 6 nhà máy điện gió vào khai thác (Ảnh minh họa) |
Bến Tre đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió đã được cấp phép, thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch. Trong 13 dự án điện gió với tổng công suất 828 MW được phê duyệt, Bến Tre phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ vận hành khai thác 6 nhà máy điện gió trên địa bàn 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Theo đó, dự kiến 5 dự án có khả năng đóng điện vận hành thương mại trước ngày 30/10/2021 là Nhà máy điện gió số 7 Ba Tri, Nhà máy điện gió số 5 Tân Hoàn Cầu, Nhà máy điện gió Mê Kông, Nhà máy điện gió VPL và Nhà máy điện gió Thanh Phong.
Để đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, sinh hoạt, Bến Tre đã định hướng đến năm 2025, tỉnh tập trung đầu tư các dự án năng lượng sạch, gồm: Điện gió, điện mặt trời, đưa vào vận hành 1.500 MW và xúc tiến triển khai dự án năng lượng khí, đến năm 2030 phát triển đưa vào vận hành 3.000 MW.
Thúc đẩy tiềm năng du lịch biển
Xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là với đường bờ biển dài 65km, Bến Tre đang tập trung đầu tư hạ tầng phát triển du lịch 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch ven biển gắn với khai thác, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên.
Phát triển đa dạng các loại hình du lịch 3 huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú (Ảnh minh họa) |
Liên kết hình thành các tuyến du lịch giữa Bến Tre với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh thành phố lớn trên cả nước. Đặt mục tiêu tăng bình quân trên 25%/năm tổng thu từ hoạt động du lịch trên địa bàn 3 huyện ven biển, nâng tổng thu từ hoạt động du lịch cả tỉnh tăng gấp đôi so với giai đoạn 2015-2020.
Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế 3 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển Bến Tre về hướng Đông giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Do đó ngành kinh tế biển như nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản; công nghiệp chế biến chế tạo; năng lượng mới; du lịch; hạ tầng logistic biển... đã và đang được Bến Tre dồn sức để phát triển trụ cột này.
Tin tưởng rằng, với lợi thế gần các trung tâm kinh tế chính, có tiềm năng lớn về kinh tế biển, hành lang mở ven biển kết nối các tỉnh ven biển phía Đông, nhất là từ TP. Hồ Chí Minh về đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre sẽ tận dụng triệt để để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.