Phòng xét nghiệm Covid-19 (Labo) với diện tích chừng 30 m2 đặt tại Khoa Xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng (Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An) gồm các phòng tách chiết, pha Mix và đọc kết quả.
Mẫu đưa vào phòng tách chiết phải khử khuẩn bằng tia cực tím. Phòng hoạt động trong điều kiện đảm bảo áp lực âm.
Ê kíp làm việc 7-9 người được chia làm 3 nhóm tương ứng tại 3 phòng, gồm tách chiết, nhóm pha Mix và nhóm đọc. Các kỹ thuật viên phải mặc bảo hộ, đi qua phòng đệm trước khi vào Labo, không được ra khỏi phòng nếu chưa xong việc. Trường hợp bất khả kháng thì bỏ hết đồ bảo hộ tại phòng để ra ngoài, một kỹ thuật viên khác ứng trực sẽ thay thế.
Do chưa có máy tách chiết ARN (ARN là bản sao một đoạn của ADN) tự động nên bước này các kỹ thuật viên thực hiện bằng tay tại buồng an toàn sinh học cấp hai. Đây cũng là bước nguy hiểm nhất với do phải tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
Bước thu dịch nổi có chứa ARN để chuẩn bị đưa vào máy ly tâm. Tại phòng tách chiết, mỗi mẫu phẩm phải qua 16 bước điều chế.
Công việc đòi hỏi kỹ thuật viên tập trung cao độ, không được phép mang thiết bị nghe nhìn trong lúc làm việc. Họ được khuyến cáo nên mặc bỉm.
Mẫu phẩm được đưa vào máy ly tâm để chạy tốc độ 13.000 vòng/phút.
Kỹ thuật viên hẹn đồng hồ báo sau khi hoàn thành mỗi bước để nhắc làm bước tiếp theo.
Hơn hai giờ, sản phẩm từ phòng tách chiết được kỹ thuật viên chuyển sang phòng pha Mix.
Kết quả tại phòng pha Mix được chuyển qua phòng PCR (phòng đọc) để đưa vào máy khuếch đại gene, từ đó sẽ cho kết quả mẫu phẩm. Sau 100 phút, máy đọc được 96 mẫu.
Ngày cao điểm nhất, nơi đây xét nghiệm gần 600 mẫu.
Bỏ đồ bảo hộ, khẩu trang để rời phòng sau 5 giờ làm việc liên tục, chị Nguyễn Thị Hảo (38 tuổi) kể ngày cao điểm một ê kíp phải thực hiện 3 mẻ mẫu phẩm, khi xong việc trở về nhà thì đã khuya.
"Tuân thủ việc bảo hộ và quy trình làm việc nên chúng tôi tự tin không bị lây nhiễm khi làm việc. Công việc áp lực, thời gian nghỉ chỉ đủ ăn và vệ sinh cá nhân, không có ngày nghỉ cuối tuần song chưa khi nào tôi cảm thấy chán", chị Hảo nói.
Từ 30/3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An tự xét nghiệm, hiện lên tới 4.000 mẫu. Trước đó hơn 3.000 mẫu đều phải gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.