Bệnh đau mắt đỏ đang tăng nhanh

Không chỉ người dân mà nhân viên y tế cũng bị lây nhiễm đau mắt đỏ khá nhiều. Bệnh dễ khỏi nhưng hậu quả khôn lường để lại cho đôi mắt nếu người bệnh chủ quan…

Không chỉ người dân mà nhân viên y tế cũng bị lây nhiễm đau mắt đỏ khá nhiều. Bệnh dễ khỏi nhưng hậu quả khôn lường để lại cho đôi mắt nếu người bệnh chủ quan…

Dễ lây, khó phòng

Nắng rồi mưa những ngày qua là điều kiện lý tưởng cho virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển. “Đến hẹn lại lên”, bệnh bùng phát khoảng tháng 7 hằng năm, nhưng người bệnh luôn bất ngờ với bệnh vì rất khó đề phòng. Cùng thời điểm này, hầu hết các trường học trên địa bàn Hà Nội ước vào mùa lễ hội và bắt đầu tổ chức học hè, nên mối lo về bệnh lây thành dịch tại các trường học rất  lớn.

Thực tế, bệnh đau mắt đỏ đã khiến nhiều cô cậu học trò phải nghỉ học những ngày đầu đến trường. Anh Nguyễn Đăng Dũng ở Mỹ Đình cho biết: “Đúng ngày nhập học thì con tôi bị đau mắt đỏ. Cô giáo cho biết, trường cũng có một số cháu nghỉ vì bị bệnh này. Tiếc là cháu mới vào lớp 1, đang háo hức đến trường nhưng cũng phải cho cháu nghỉ để tránh lây các bạn”.

Môi trường lý tưởng cho bệnh lây nhanh là phòng máy lạnh, hồ bơi, những nơi đông người. Được biết, hiện số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa mắt đang tăng nhanh. Bệnh viện Mắt Trung ương mỗi ngày có tới vài trăm người tới khám và điều trị. Còn Bệnh viện Mắt Hà Nội số lượng bệnh nhân bị đau mắt đỏ tăng 30-50% so với thời gian trước, mỗi ngày có khoảng hơn 200 bệnh nhân đến khám.

Theo bác sỹ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh dễ lây nhưng không phải lây vì “nhìn người bệnh” như nhiều người vẫn nghĩ, mà do virus lây qua đường hô hấp, đường tiếp xúc tay- mắt, nước bọt... Việc đeo kính không thể ngăn ngừa lây lan, chỉ có tác dụng bảo vệ mắt của người bệnh khỏi bụi đường.

“Nhiều người chủ quan cho rằng không dùng chung khăn mặt, bát đũa thì không lo mắc bệnh. Điều đó hoàn toàn sai vì tay người bệnh dụi lên mắt rồi nắm vào đồ vật như tay nắm cửa, điện thoại, máy tính... Người khác chạm vào đồ vật đó rồi dụi tay lên mắt, sẽ vẫn bị lây bệnh. Ngay cả như nhân viên y tế nếu không rửa tay kỹ, tiệt trùng dụng cụ y tế đúng cách thì vẫn có thể bị lây”.  Bác sỹ Cương lưu ý.

Khi bị đau mắt đỏ, cần đi khám tại cơ sở y tế

Cẩn thận với trị bệnh kiểu dân gian

Triệu chứng chính của bệnh là cộm mắt, ngứa, cảm giác có dị vật trong mắt, chảy nước mắt và có nhiều gỉ mắt, mắt đỏ. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, có sưng hạch góc hàm hoặc hạch sau tai, họng đỏ, amidan sưng to.

Theo các bác sỹ, nhiều người bệnh rất chủ quan với bệnh này. Hầu hết bệnh nhân có dấu hiệu đỏ mắt thường không đi khám mà tự điều trị theo dân gian hoặc ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị. Hậu quả khôn lường đã xảy ra như xước lòng đen, mù lòa do xông lá, xông tinh dầu, tự ý dùng thuốc chống viêm như Nemydexa, Clodexa…

Nếu sử dụng các loại thuốc này, bệnh lý càng trở nên nặng nề, điều trị khó khăn hơn rất nhiều.Vì đỏ mắt là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Nếu dùng thuốc nhỏ mắt có corticoid ngay là rất nguy hiểm…”Việc điều trị tốt nhất là dùng muối sinh lý rửa mắt nhiều lần trong ngày để rửa sạch dử mắt, sau đó có thể tra kháng sinh phổ rộng theo hướng dẫn của bác sỹ. Tuyệt đối không xông lá trầu không, xông tinh dầu vì sức nóng của nó càng khiến tình trạng mọng mắt thêm phù nề”, BS Cương, khuyến cáo.

Khuyến cáo cũng được đưa ra là, tại các cơ quan, trường học, cần cho người bệnh nghỉ để tránh lây lan. Ngay cả khi đã lành, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Vì vậy sau khi khỏi vẫn phải nghỉ thêm 1 tuần nữa mới đảm bảo.

Theo nhận định của các chuyên gia y tế thì đau mắt đỏ thường thoái lui vào khoảng tháng 10, khi xuất hiện những đợt gió mùa đầu tiên.

Thanh Quý

Đọc thêm