Giấy bẩn tràn ngập quán ăn
Theo khảo sát của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội thị trường giấy ăn, giấy vệ sinh tràn ngập từ hạng sang đến trung bình, những loại giấy cực rẻ từ các cơ sở sản xuất thủ công bán tại các chợ có giá chỉ từ 13.000 đồng/kg.
Tiếp tục khảo sát tại nhiều quán ăn, đặc biệt là các quán ăn bình dân, vỉa hè vẫn “chuộng” loại giấy ăn bản vuông với nhiều màu sắc, trong đó chủ yếu là loại giấy màu xám đục. Đặc điểm của loại giấy này là bề mặt sần sùi, thỉnh thoảng còn sót lại nhiều vệt màu xanh, đỏ, tím vàng, khá cứng. Mỗi thực khách khi bước chân vào những hàng ăn luôn có thói quen rút giấy ăn ra lau đũa, lau thìa, coi như đó là “thủ tục” để tự an lòng về mức độ vệ sinh của những đồ dùng này. Tuy nhiên, thực tế thì những tờ giấy ăn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho con người.
Trên thị trường, chỉ có một số nhãn hiệu giấy ăn nổi tiếng là có đăng ký công bố chất lượng và người tiêu dùng có thể tạm an tâm về mặt cảm quan. Bên cạnh đó, còn rất nhiều loại được sản xuất chui, chất lượng rất tệ với bề mặt giấy nhám, bụi bẩn, loang lổ các đốm vệt, màu trắng hoặc xám đục. Chúng thường được chở tới bỏ mối cho các hàng quán ăn với giá rất rẻ. Một chủ cửa hàng ăn tại chợ Phùng Khoang (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết, nếu nhập giấy ăn từ một số “mối” đưa hàng thì giá thành rẻ hơn, cũng không mất công vận chuyển. “Một cuộc điện thoại là có người mang giấy ăn đến tận nhà. Cửa hàng tôi mỗi ngày dùng đến cả chục cân giấy ăn. Dùng loại giấy này vừa rẻ, vừa tiện”.
Như vậy, có thể thấy những người kinh doanh chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà bỏ qua quy trình chất lượng giấy ăn họ nhập vào cho khách hàng dùng.
“Về mặt sản xuất, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình là chính. Thế nhưng, chỉ có một số doanh nghiệp sản xuất giấy ăn công bố đăng ký chất lượng với cơ quan chức năng. Giấy ăn kém chất lượng được sản xuất bởi những người thiếu hiểu biết hoặc cố tình làm ngơ các tiêu chuẩn, quy định của nhà nước. Họ sử dụng nguyên liệu quá xấu, chủ yếu giấy tái sinh để làm nguyên liệu tái chế mà không hề qua xử lý vi sinh, một công đoạn rất quan trọng để bảo đảm vô trùng. Đa số họ chỉ xử lý thủ công đơn giản rồi cho ra thành phẩm. Và các loại giấy kém chất lượng này được những chủ quán ham rẻ mua cho thực khách dùng” - một cán bộ quản lý thị trường cho biết.
Trả giá bằng sức khỏe
Giấy ăn bẩn “ngập” bàn ăn không chỉ là chuyện của các quán ăn bình dân mà ngay tại một số gia đình, luôn sử dụng giấy “đa năng”, tức là sử dụng giấy vệ sinh không chỉ với chức năng trong các nhà vệ sinh, mà còn được sử dụng thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày ở nhà bếp, phòng ăn,... bởi lẽ chi phí loại giấy này khá rẻ, chỉ khoảng vài chục nghìn là có giấy dùng cho cả tháng. Tuy nhiên, đa phần khi được hỏi về tác hại lâu dài của việc dùng giấy vệ sinh thành giấy “đa năng”, mọi người đều lắc đầu và lý giải rằng đã quen sử dụng vì vừa rẻ, vừa tiện lợi và chưa thấy tác hại gì.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, dùng giấy vệ sinh thay giấy ăn trong thời gian dài có thể gây hại sức khoẻ. Thứ nhất, cơ thể sẽ hấp thụ những chân nấm độc hại, khuẩn cầu que… gây bệnh viêm kết ruột, dẫn tới viêm ruột, thương hàn, kiết lỵ, viêm gan.
Thứ hai, giấy vệ sinh chất lượng kém còn có nhiều bụi giấy, có thể xâm nhập gây ra những kích thích ở đường hô hấp. Thứ ba, hóa chất chống ẩm, tẩy trắng tồn trên giấy có thể gây kích ứng nếu da quá mẫn cảm, gây dị ứng khi kết hợp với mồ hôi, tạo nguy cơ viêm nhiễm các loại vi khuẩn, đặc biệt là virút herpes gây lở rộp môi.
“Để hạn chế bệnh tật từ giấy ăn, giấy vệ sinh kém chất lượng, người dân cần từ bỏ thói quen sử dụng giấy vệ sinh thay cho giấy ăn lau chùi đồ dùng ăn uống. Thay vào đó, hãy dùng khăn vải chuyên dụng, sau mỗi lần sử dụng giặt sạch, phơi sấy dưới ánh nắng. Không nên ham rẻ mà mua những loại giấy ăn, vệ sinh trôi nổi, không rõ xuất xứ” - ông Thịnh khuyến cáo.
Người tiêu dùng có thể sử dụng những thủ pháp nhỏ để có thể phân biệt đâu là loại giấy ăn kém chất lượng. Trước tiên, quan sát màu sắc của tờ giấy, loại giấy tốt, không chứa ánh huỳnh quang bạc của hóa chất nên trên mặt giấy hơi có chút ánh vàng. Các loại giấy kém chất lượng do sử dụng nguyên liệu từ các loại giấy phế phẩm, trong quá trình tái chế không loại bỏ hoàn toàn được vết bẩn nên thường có những điểm đen. Tiếp đó, có thể dùng tay chà xát mặt giấy, nếu như là giấy tái chế thì sẽ không còn độ dẻo, vì thế mà giấy rất dễ rách, mủn, khi sử dụng có thể nhìn thấy những vụn giấy rơi ra.