Bệnh ghẻ “tấn công” một số ngôi làng vùng cao Quảng Ngãi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian qua, một số ngôi làng vùng cao tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận hàng trăm ca mắc bệnh ghẻ, mẩn ngứa nổi khắp toàn thân khiến cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
Tại xã Trà Bùi và xã Trà Thanh, cán bộ y tế túc trực theo dõi, giám sát, hỗ trợ, phối hợp trong công tác điều trị ghẻ.
Tại xã Trà Bùi và xã Trà Thanh, cán bộ y tế túc trực theo dõi, giám sát, hỗ trợ, phối hợp trong công tác điều trị ghẻ.

200 người khám, 170 người mắc ghẻ

Nằm cách trung tâm xã hơn 12km, thôn Tang, xã Trà Bùi là một trong những thôn thuộc diện nghèo nhất ở huyện miền núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi). Thôn có 66 hộ dân với hơn 280 nhân khẩu, đến phân nửa trong số đó mắc bệnh ghẻ.

Theo người dân, bệnh ghẻ xuất hiện từ sau Tết Nguyên đán và lây lan nhanh, người trong làng từ lớn đến nhỏ đều gãi cả ngày đêm vì ngứa.

Vừa dỗ đứa con nhỏ mới 10 tháng tuổi khóc ngằn ngặt, chị Hồ Thị Hiền (SN 1988) vừa vạch áo con lên để lộ những nốt ghẻ sần sùi, nốt mới xen nốt cũ. Chị Hiền cho biết, bệnh ghẻ bắt đầu xuất hiện lây lan từ Tết Nguyên đán, nhà chị cả vợ chồng và hai đứa con đều mắc. “Người lớn còn gãi, còn tắm nước lá, chứ trẻ nhỏ chẳng biết làm sao. Buổi tối ngứa khủng khiếp mà không dám gãi mạnh, nốt ghẻ vỡ ra vừa ngứa vừa rát. Thời tiết đang vào mùa nắng nóng lại thêm bệnh ghẻ, rất khổ sở”, chị Hiền nói.

Cùng chung cảnh ngộ, cả gia đình anh Đinh Văn Sơn (SN 1993) cũng đều mắc bệnh ghẻ. Anh Sơn một tay ôm con, một tay liên tục gãi những nốt ghẻ sần sùi trên chân. Bên cạnh anh, nhiều đứa trẻ khác cũng đang ngồi lê lết dưới nền đất, gãi sồn sột tay, chân, bụng... “Đáng lẽ giờ mình đi rẫy nhưng vợ đang bị ngứa nặng, không thể chăm con. Mình cũng có ngứa nhưng đàn ông chịu được nên ở nhà giúp vợ giữ con”, anh Sơn nói.

Nằm lưng chừng núi Cà Đam cao hơn 1.400m so với mực nước biển, thôn Tang chưa bao giờ bị bệnh ghẻ tấn công như hiện nay. Để chống với những cơn ngứa do bệnh ghẻ hoành hành, người dân trong thôn ngoài dùng các loại thuốc chữa trị bệnh ghẻ do y tế cung cấp, còn hái các loại lá cây rừng như sim, ổi… nấu chín để nguội rồi tắm.

Sợ bệnh ghẻ, một số người bỏ làng vào rừng, lập lán ở tạm để “trốn”, như gia đình anh Hồ Văn Đậu (SN 1987). Anh Đậu chia sẻ, nhà có 6 người, trừ đứa con đầu đang học ở trung tâm xã không mắc bệnh, cả 5 người còn lại “dính” ghẻ. Bệnh cứ lây qua lây lại mà không khỏi. Quá mệt mỏi, cả tuần nay anh Đậu đưa gia đình vào rừng sống tạm. Chỉ khi có bác sĩ, nhân viên y tế đến làng, anh mới đưa cả nhà về để khám và nhận thuốc.

Nhiều người trong thôn Tang từ lớn đến nhỏ đều gãi cả ngày đêm vì ngứa.

Nhiều người trong thôn Tang từ lớn đến nhỏ đều gãi cả ngày đêm vì ngứa.

Trong khi bệnh ghẻ ở thôn Tang (xã Trà Bùi) vẫn chưa dứt hẳn, vào đầu tháng 4/2023, xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng) lại ghi nhận 19 trường hợp bệnh ghẻ ở 3/4 thôn gồm thôn Môn, thôn Cát, thôn Gỗ. Sau đó Đoàn công tác của CDC tỉnh tổ chức khám bệnh tại xã Trà Thanh và phát hiện trong số hơn 200 người dân được khám, có đến 170 người mắc bệnh ghẻ.

Đối diện nhiều khó khăn

Trà Thanh cũng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trà Bồng, cách Trung tâm Y tế huyện khoảng 20km. Xã gồm 4 thôn với 523 hộ và 2.523 khẩu, trên 98% là đồng bào dân tộc thiểu số.

Với các thôn bản vùng cao Quảng Ngãi, do địa bàn xa xôi, cách trở cộng với nhận thức còn hạn chế, trở thành những khó khăn đang gặp phải trong công tác phòng chống ghẻ.

Như thôn Tang (xã Trà Bùi) có địa hình phức tạp, đường núi dốc đứng gồ ghề nên cách trung tâm xã khoảng 13km nhưng phải mất đến 2 giờ đi xe máy mới có thể đến nơi. Còn vào mùa mưa, thôn Tang gần như biệt lập, ra vào thôn mất cả buổi lội bộ băng rừng. Ông Hồ Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Trà Bùi cho hay, đường đến thôn Tang, phụ nữ tự lái xe không được rồi, phải đàn ông mới đi nổi. Mấy đoàn từ huyện, tỉnh về xử lý dịch ghẻ đều phải nhờ thanh niên địa phương chở đi.

Với những đặc thù trên, công tác phòng chống bệnh ghẻ ở các địa phương này gặp nhiều khó khăn. Tại thôn Tang, dù bệnh ghẻ được báo cáo từ ngày 8/3, nhưng mãi đến 14/3 Trạm Y tế xã mới cử được lực lượng lên nắm tình hình. Sau đó, các đoàn y tế của huyện, xã và CDC tỉnh tổ chức kiểm tra, tổ chức khám, cấp phát thuốc điều trị bệnh. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, khử trùng quần áo, vệ sinh nhà ở sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp giữa da với da hoặc tiếp xúc với đồ dùng của những người bị ghẻ.

Những đứa trẻ cũng đang bị bệnh ghẻ hành hạ.

Những đứa trẻ cũng đang bị bệnh ghẻ hành hạ.

Ông Hồ Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trà Bồng, thông tin, dù không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng ghẻ là bệnh lý có khả năng lây rất nhanh từ người này sang người khác, dễ thành dịch trong cộng đồng. Vì vậy, chủ động vệ sinh cá nhân, nhà ở sạch sẽ là biện pháp hữu hiệu để phòng chống bệnh ghẻ.

Trước tình hình số ca mắc bệnh ghẻ tại một số thôn bản đặc biệt khó khăn gia tăng, UBND huyện Trà Bồng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục theo dõi, tăng cường phòng chống bệnh ghẻ, nhất là trong thời điểm bệnh dễ phát sinh như hiện nay. Riêng xã Trà Bùi và xã Trà Thanh, cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát, hỗ trợ, phối hợp trong công tác điều trị. Trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát, lập tức báo cáo về UBND huyện để có hướng chỉ đạo.

Đọc thêm