Tại tỉnh miền Trung, người dân đang xôn xao việc tỉnh này trưng bày mô hình và phối cảnh Công viên văn hoá rộng 500.000m2 với vốn đầu tư “khủng” để lấy ý kiến người dân. Dự kiến công viên sẽ được xây dựng ở trung tâm thành phố với nhiều hạng mục có quy mô lớn.
Nếu được phê duyệt, công trình sẽ tiêu tốn hơn 2,5 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách gần 780 tỷ, xã hội hóa 1.740 tỷ đồng. Theo tính toán của chủ đầu tư, dự kiến chi phí hoạt động mỗi năm cho khu công viên văn hoá này rơi vào khoảng 375 tỷ và sẽ thu được 540 tỷ đồng từ tiền bán vé dịch vụ tham quan và các nguồn thu khác (!).
Lãnh đạo tỉnh này cho biết, việc trưng bày mô hình và lấy ý kiến rộng rãi từ người dân sẽ là cơ sở để thiết kế, xây dựng công viên văn hóa xứ Thanh thực sự độc đáo, hấp dẫn. Điều này thật sự hoan nghênh vì đó là dấu hiệu của phát huy dân chủ nhất là khi Luật Trưng cầu ý dân (Luật số 96/2015/QH13) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Hy vọng Thanh Hóa không lấy ý kiến nhân dân theo kiểu “ván đã đóng thuyền”.
Tỉnh này đang kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế uy tín có kinh nghiệm vào đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả công trình này. Hy vọng “xã hội hóa” tốt đẹp, không phải như lâu nay “ông thò chân giò, bà đưa chai rượu” về mối quan hệ giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp, thậm chí tặng/nhận xe, siêu xe…ầm ĩ thời gian qua.
Câu chuyện công viên ở tỉnh miền Trung xảy ra đồng thời với đồng hồ 35 tỷ ở Hạ Long, Quảng Ninh, được xây bằng tiền ngân sách. Dường như căn bệnh “hoành tráng” trong đầu tư, trong các chương trình lễ, hội đang tái phát trở lại?
Chợt nhớ cuối năm 2016, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay, ông đã ký chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm gửi các bộ, ngành địa phương. “Chúng ta phải tiết kiệm từng đồng bạc của dân, chống xa hoa, lãng phí, phô trương hình thức, kiên quyết chống lợi ích nhóm... với tinh thần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thi đua sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bác Hồ là người đặc biệt quan tâm đến tiết kiệm, chống lãng phí. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nong”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu”.
Đất nước đang rất nghèo, đời sống nhân dân còn rất khó khăn. Đáng tiếc chúng ta còn lãng phí rất lớn. Căn bệnh đầu tư tốn kém nhưng kém hiệu quả, công trình hoành tráng nhưng đắp chiếu có mặt ở nhiều nơi. Dường như con ngươi thời nay dần quên đi đức tính của Chủ tịnh Hồ Chí Minh.
Lẽ nào hết phương thuốc điều trị “căn bệnh hoành tráng”?