Bệnh học đường: Tưởng cũ nhưng vẫn mới

(PLO) - Bệnh học đường là những bệnh liên quan đến lứa tuổi học sinh và chỉ xuất hiện trong thời gian học tập. Do tác động bởi yếu tố môi trường, vấn đề vệ sinh trường học, cơ sở vật chất, điều kiện học tập,...  nhiều loại bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống,... đang tăng nhanh. 
Cận thị ở trẻ em là một trong những bệnh học đường đang gia tăng nhanh.
Cận thị ở trẻ em là một trong những bệnh học đường đang gia tăng nhanh.

Tuy nhiên, hiện nay kiến thức phòng tránh bệnh học đường của giáo viên và phụ huynh, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu và yếu dẫn đến một số bệnh có chiều hướng gia tăng.

Mắc bệnh vì ngồi học không đúng cách

Áp lực sĩ số ở các TP lớn là vấn đề được nhắc đến nhiều trong mỗi năm học mới. Ghi nhận tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho thấy, do số lượng học sinh quá đông, có lớp sĩ số lên tới 60 học sinh, bàn đầu thường được kê sát bục giảng, bàn cuối sát tường khiến các em gặp khó khăn trong quá trình học tập. Cùng với đó, bàn ghế học tập ở nhiều trường thường không đảm bảo tiêu chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của học sinh. 

Kết quả điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thời gian qua cho thấy, tỷ lệ học sinh Việt Nam bị mắc bệnh cong vẹo cột sống chiếm tỷ lệ hơn 15%. Do chương trình học còn nặng nề, các thầy cô giáo chủ yếu chỉ chú ý đến việc dạy trẻ kiến thức, ít quan tâm đến tư thế ngồi của trẻ, bên cạnh đó y tế học đường chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh.

 Hiện tượng kích thước bàn ghế không phù hợp với chiều cao học sinh, trẻ ngồi học không đúng tư thế, mang vác cặp sách, ba lô nặng,... trở nên phổ biến, gây áp lực lên cột sống khiến cột sống không phát triển bình thường. Tư thế ngồi học không đúng dần dần trở thành tật và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển bình thường cũng như thẩm mỹ của trẻ khi ở độ tuổi trưởng thành. 

Cùng đó, theo thống kê của Viện Thị giác Brien Holden tại Việt Nam, tỷ lệ tật khúc xạ tại Việt Nam vào khoảng 15% đến 40%, tương ứng từ 14 đến 36 triệu người mắc tật khúc xạ. Trẻ em (từ 6 đến 15 tuổi) có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25% đến 40% ở khu vực thành thị, từ 10% đến 15% tại khu vực nông thôn. Điều này có nghĩa khoảng 3 triệu trẻ em đang có tật khúc xạ, cần được chỉnh kính.

PGS.TS Nguyễn Đức Anh, giảng viên Bộ môn Mắt Trường Đại học Y Hà Nội, nguyên Trưởng khoa khúc xạ Bệnh viện Mắt TƯ cho biết, ở người trẻ có 3 tật khúc xạ: cận thị, viễn thị, loạn thị; trong đó tật khúc xạ cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở độ tuổi học đường.

“Dấu hiệu của tật khúc xạ nhiều khi không rõ ràng khiến cho chúng ta chủ quan, không đi khám để được phát hiện và điều trị sớm. Mắt có tật khúc xạ sẽ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, ảnh hưởng học tập, thậm chí gây ra rối loạn khác ở mắt: bị lác, nhược thị… Những dấu hiệu của tật khúc xạ có thể là xem tivi hay sách báo phải lại gần mới thấy, học sinh ngồi học không đọc được chữ, hay nheo mắt khi nhìn, theo đó kết quả học tập sẽ giảm...

Đối với trẻ em, cần được kiểm tra mắt sớm để phát hiện tật khúc xạ, điều chỉnh kính kịp thời. Nếu được điều chỉnh kính phù hợp, mắt được nhìn rõ hơn, có sự phối hợp 2 mắt tốt, tránh nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai”, PGS.TS. Nguyễn Đức Anh cho biết. 

 Các trường cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ

Theo quy định về vệ sinh trường học do Bộ Y tế ban hành ngày 18/4/2000: Diện tích phòng học trung bình từ 1,10m đến 1,25m2/học sinh. Chiều dài không quá 8,5m, chiều rộng không quá 6,5m, chiều cao 3,6m. Phòng học có hệ thống gió nhân tạo như quạt gió, quạt trần treo cao trên mức nguồn sáng, bảo đảm tỷ lệ khí CO2 trong phòng không quá 0,1%.

Cùng đó theo quy định, phòng học cần đảm bảo độ chiếu sáng đồng đều không dưới 100 lux. Riêng phòng học có học sinh khiếm thị thì độ chiếu sáng không dưới 300 lux. Để hỗ trợ khi phòng học thiếu ánh sáng tự nhiên cần chiếu sáng nhân tạo. Số lượng bóng đèn chiếu sáng như sau: Nếu là bóng đèn tóc thì cần 4 bóng, mỗi bóng có công suất từ 150W đến 200W treo đều ở 4 góc. Nếu là bóng đèn neon thì treo 6-8 bóng, mỗi bóng dài 1,2m. Các bóng đèn treo ở độ cao cách mặt bàn học 2,8m. Bàn đầu đặt cách bảng từ 1,7m đến 2m, bàn cuối cùng cách bảng không quá 8m,...

Như vậy, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, phòng chống các bệnh học đường đã được các ngành đặt ra từ lâu, nhưng thực tế hiện nay công tác này vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Ở nhiều nơi, trường lớp được thiết kế chưa phù hợp, hệ thống chiếu sáng quá tối, quá sáng không đảm bảo đáp ứng phục vụ tốt nhu cầu học tập cho học sinh.

Có những nơi công tác kiểm tra, giám sát của nhà trường còn lỏng lẻo dẫn tới cơ sở vật chất trong lớp bị hỏng chưa được sửa chữa, thay thế kịp thời. Hơn nữa, nhiều nơi nhà vệ sinh trường học vẫn còn là nỗi ám ảnh lớn đối với các em học sinh,...

Do đó, phòng, chống bệnh học đường đang cần những giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều cấp, ngành. Trọng tâm là xây dựng cơ sở trường học và đội ngũ cán bộ y tế trong các trường bảo đảm theo tiêu chuẩn vệ sinh trường học. Mô hình y tế trường học phải được tổ chức một cách hợp lý, vừa giúp học sinh, giáo viên tăng cường các kiến thức về sức khỏe, đồng thời chăm sóc tốt học sinh khi xảy ra các sự cố về sức khỏe lúc ở trường.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp, quan tâm từ chính gia đình của mỗi học sinh. Mỗi phụ huynh cần trang bị kiến thức phòng bệnh để hướng dẫn, uốn nắn con ngồi học đúng tư thế,.. Có như vậy mới có hy vọng đẩy lùi bệnh học đường trong mỗi năm học. 

Đọc thêm