Bệnh nghề nghiệp: “Sát thủ giấu mặt” của an toàn lao động

(PLVN) - “Âm thầm” và “chậm rãi” là những từ mô tả diễn tiến của bệnh nghề nghiệp đối với sức khỏe người lao động. Thường không được nhận biết ngay và không được đánh giá đúng mức nhưng bệnh nghề nghiệp lại là “sát thủ giấu mặt” gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, có thể để lại di chứng vĩnh viễn.
Sự gia tăng của các bệnh nghề nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. (Ảnh minh họa: VGP)

Xu hướng gia tăng bệnh nghề nghiệp

Trong những năm gần đây, để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đã phải mở rộng thị trường và theo đuổi xu hướng hội nhập quốc tế. Điều đó đồng nghĩa với sự xuất hiện của nhiều ngành nghề mới, công nghệ mới, trong đó có những ngành nghề với môi trường làm việc áp lực cao, không đảm bảo điều kiện làm việc an toàn, sử dụng nhiều hoá chất độc hại… đã làm tăng số ca mắc bệnh nghề nghiệp cả cấp tính và mãn tính tại Việt Nam.

Xu hướng gia tăng thể hiện rõ nét qua con số từng năm, cụ thể, năm 2013 có 110.000 người được khám, phát hiện 21 loại bệnh nghề nghiệp thì đến năm 2022, đã có 465.000 người được khám, phát hiện 33 loại bệnh nghề nghiệp. Năm 2023, con số tiếp tục gia tăng, tổng số trường hợp người lao động tiếp xúc với yếu tố có hại được thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp lên 509.547 trường hợp, trong đó phát hiện 696 trường hợp bệnh nghề nghiệp, chiếm khoảng 0,1% số người được khám. Số lượng người được giám định bệnh nghề nghiệp năm 2023 là 600 người.

Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), hoạt động y tế lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp năm 2023 của 60/63 tỉnh/thành phố cho thấy, có 46/63 tỉnh/thành phố tổ chức khám phát hiện 34/35 loại bệnh nghề nghiệp, có 7/35 loại bệnh nghề nghiệp được chẩn đoán mới mắc gồm: bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn, bệnh bụi phổi than nghề nghiệp, bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, bệnh sạm da nghề nghiệp, bệnh lao nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân và bệnh COVID-19 nghề nghiệp.

Sự gia tăng của các bệnh nghề nghiệp gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của xã hội như tác động kinh tế, chi phí y tế, an ninh lao động,… Đặc biệt gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động. Theo số liệu đến hết năm 2022, ba bệnh bệnh nghề nghiệp có số mắc cao nhất, gồm: bệnh phổi silic với 74,4%; bệnh điếc nghề nghiệp 17,3% và bệnh da nghề nghiệp với 2,1%.

Đối với bệnh phổi silic, đây là một loại bệnh xơ hoá phổi không hồi phục, một bệnh phổi gây ra do hít thở phải các bit nhỏ silica, một khoáng chất phổ biến có trong cát, thạch anh và nhiều loại đá khác. Bệnh bụi phổi silic chủ yếu ảnh hưởng đến những người lao động tiếp xúc với bụi silic trong các công việc như xây dựng và khai thác mỏ. Đây là căn bệnh điều trị rất khó khăn và phức tạp, chủ yếu là sử dụng thuốc kháng sinh, rửa phổi hoặc thở oxy, hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Vào năm 2023, vụ việc 66 công nhân làm việc tại Công ty Châu Tiến đóng ở Khu công nghiệp Nam Cấm (xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đều mắc bệnh bụi phổi silic ở các mức độ khác nhau. Người thấp nhất tỉ lệ tổn thương cơ thể 11%, người cao nhất có tỉ lệ tổn thương cơ thể trên 80% và đến nay đã có 6 công nhân tử vong, 3 người vẫn đang điều trị tại bệnh viện.

Điếc nghề nghiệp cũng là bệnh có tỷ lệ người mắc cao nhưng thường bị bỏ qua. Đây là một bệnh có thể ngăn ngừa nhưng do không chú ý tới nên khi phát hiện thì bệnh không thể hồi phục. Nguyên nhân của bệnh điếc nghề nghiệp là do tiếp xúc với mức tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn cho phép trong môi trường lao động, cường độ mức áp suất âm cao trên mức gây hại (trên 85 dB).

Có thể thấy, các bệnh nghề nghiệp thường có đặc điểm chung là diễn tiến chậm, âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm. Dù phần lớn các bệnh nghề nghiệp có thể chữa khỏi, nhưng một số bệnh để lại di chứng vĩnh viễn, mất khả năng lao động như điếc nghề nghiệp, các bệnh về bụi phổi silic, amiăng... Hai bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất hiện nay là bệnh phổi silic và điếc nghề nghiệp đều có thể để lại di chứng vĩnh viễn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động

Kiểm tra thính lực định kì, phòng tránh bệnh điếc nghề nghiệp.

(Ảnh: suckhoedoisong.vn).

Theo Bộ Y tế, kết quả tổng kết 10 năm việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TƯ ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho thấy trong lĩnh vực vệ sinh lao động đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần bảo vệ nâng cao sức khỏe và phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong cả nước.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ chốt khiến bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người lao động có xu hướng gia tăng. Đặc biệt trong các cơ sở lao động vừa, nhỏ và các ngành nghề có nguy cơ cao như khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, sử dụng hóa chất, khai thác mỏ...

Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, cũng như phòng, chống bệnh nghề nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2030 tại các địa phương vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp công bố đã đáp ứng đủ điều kiện cho quan trắc môi trường lao động, nhưng khi kiểm tra lại họ chưa đáp ứng theo hồ sơ tự công bố. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quan trắc, không đánh giá được đầy đủ các yếu tố có hại trong môi trường lao động.

Khả năng khám phát hiện bệnh nghề nghiệp vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đối với các loại bệnh nhiễm độc và ung thư nghề nghiệp. Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp không báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng khi phát hiện các trường hợp bệnh nghề nghiệp, điều này gây ra rủi ro trong việc phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động khác trong cùng một môi trường tiếp xúc.

Ví như vụ việc hàng chục người lao động bị bệnh bụi phổi silic được phát hiện, nguyên nhân chính do người sử dụng lao động không tuân thủ các quy định về quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, cung cấp khẩu trang không phù hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đây là minh chứng rõ ràng cho thấy bệnh nghề nghiệp tàn phá sức khỏe người lao động thầm lặng nhưng vẫn chưa được quan tâm.

Trước thực trạng trên, nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng, chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp đặc biệt trong khu vực lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường thực hiện công tác. Đồng thời, các địa phương trên cả nước tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn.

Về phía doanh nghiệp, trong những năm qua, để giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nguồn kinh phí lớn vào việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động, từ đó giúp giữ chân nhân công và tăng cường hiệu suất làm việc. Tại Hải Phòng, theo thông tin từ Công đoàn Khu kinh tế Hải Phòng, hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nơi đây đều triển khai khám sức khỏe định kỳ cho người lao động với mức khám bình quân gần 500.000 đồng/người. Qua đó, giúp người lao động sớm phát hiện bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân.

Bảo vệ người lao động trước các bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm không chỉ của riêng doanh nghiệp mà cả bản thân người lao động, chính quyền và các ban, ngành. Cần nhận thức đầy đủ, nhận diện rõ mối nguy hiểm từ bệnh nghề nghiệp - “sát thủ giấu mặt” để có cách phòng tránh và đề ra các chính sách ngăn ngừa kịp thời.

Bộ Y tế đề xuất quy định Danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp. Trong dự thảo thông tư mới, Bộ đề xuất danh sách 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, trong đó mở rộng một số bệnh theo quy định hiện hành. Ví dụ bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp được bổ sung thành bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.

Đọc thêm