Chuyển biến tích cực trong công tác bình đẳng giới
Cũng giống như ở vùng đồng bằng, mục tiêu bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực; tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ vùng dân tộc thiểu số; thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Để thực hiện mục tiêu trên, Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I năm 2021 - 2025 đã được Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam chủ trì thực hiện.
Với vai trò cơ quan chủ trì triển khai Dự án 8, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động, tập trung chỉ đạo triển khai, phối hợp thực hiện hiệu quả các hoạt động của Dự án. Theo đó, Hội đã thành lập Ban điều hành Dự án cấp Trung ương, quy tụ sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn và kế hoạch triển khai hàng năm; chủ động đề xuất với các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Đến nay, sau 3 năm triển khai Dự án 8 giai đoạn I, với sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cấp Hội phụ nữ, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội với các ban, ngành liên quan ở Trung ương và địa phương, Dự án 8 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các hoạt động của dự án đã tác động sâu rộng đến đời sống, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung. Qua đó, Dự án đã mang lại những chuyển biến tích cực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Tính đến hết tháng 10/2024, 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của Dự án 8 đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn I, như “Tổ truyền thông cộng đồng”; củng cố, thành lập mới địa chỉ tin cậy; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”... Cụ thể, Dự án 8 đã xây dựng và duy trì 10.638/9.000 tổ truyền thông cộng đồng, thu hút hơn 214.770 thành viên là nam giới, nữ giới những người có uy tín tại cộng đồng tham gia làm tuyên truyền viên; 2.673/1.000 địa chỉ tin cậy, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, đồng thời tư vấn cho khoảng 34.935 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi về các vấn đề, kỹ năng phòng ngừa ứng phó bạo lực trên cơ sở giới; 1.909/1.800 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, tuyên truyền cho 76.739 trẻ em; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 3.232/2.000 cán bộ nữ dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, 40 tỉnh thuộc địa bàn Dự án được cấp ngân sách từ Trung ương đã tập trung đẩy mạnh thực hiện các nội dung truyền thông, góp phần cải thiện rõ rệt nhận thức về các vấn đề bất bình đẳng giới, từ đó tác động tới hành động của các cấp, các ngành liên quan và người dân tại các địa bàn dự án. Trong đó, 15/40 tỉnh đạt và vượt một số chỉ tiêu, như: Hà Giang, Bắc Giang, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thanh Hóa…
Chú trọng công tác bình đẳng giới tại địa phương
Là một trong những địa phương có nhiều chỉ tiêu về bình đẳng giới đạt và vượt kế hoạch, do đó công tác thực hiện, triển khai Dự án 8 tại TP Hà Nội cũng đạt được những kết quả tích cực. Các cấp Hội LHPN TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động mang lại những lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn TP.
Trong đó, có Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025” được UBND TP Hà Nội ban hành ngày 05/01/2023 nhằm thực hiện Nội dung 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” thuộc Kế hoạch số 253/KH-UBND của UBND TP về triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030. Thời gian qua, bám sát chỉ đạo Hội LHPN TP Hà Nội đã tham mưu UBND TP triển khai thực hiện các nội dung Đề án nghiêm túc, hiệu quả, chú trọng việc tổ chức hướng dẫn, triển khai mô hình điểm; cụ thể hóa các nội dung, chỉ tiêu thực hiện Đề án.
Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” tổ chức tại huyện Ba Vì, Hà Nội. (Ảnh: PV) |
Một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa, thiết thực của Hội LHPN TP Hà Nội trong thực hiện Đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và kiến thức pháp luật cho phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025” là tổ chức Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” năm 2024 tại sân vận động xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đây cũng là một trong các hoạt động của Hội kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam và Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024) và hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
Theo bà Phạm Thị Mỹ Hoa - Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội, Liên hoan văn hóa “Phụ nữ dân tộc thiểu số hành động vì bình đẳng giới” có ý nghĩa tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và ý thức chấp hành pháp luật của phụ nữ dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ, báo cáo viên, tuyên truyền viên kiến thức về giới và bình đẳng giới tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của TP Hà Nội góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời giới thiệu những nét đẹp về văn hóa, sản phẩm làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thủ đô.
Liên hoan năm nay xoay quanh hai chủ đề chính: “Bản hòa ca văn hóa dân tộc” và “Phụ nữ với quê hương, đất nước”. Chương trình quy tụ 14 tiết mục nghệ thuật đa sắc màu, đậm đà bản sắc dân tộc, được trình diễn bởi các thành viên đến từ mô hình Tổ truyền thông cộng đồng về bình đẳng giới và hội viên phụ nữ thuộc 6 xã dân tộc thiểu số và miền núi: Vân Hòa, Minh Quang, Tản Lĩnh, Ba Vì, Ba Trại và Yên Bài (huyện Ba Vì). Điểm nhấn của Liên hoan là toàn bộ các tiết mục đều do chính các hội viên và thành viên Tổ truyền thông cộng đồng tự xây dựng kịch bản, chuẩn bị kỹ lưỡng, tập luyện công phu và đầu tư trang phục biểu diễn mang đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình.
Là một trong 6 xã tích cực tham gia Liên hoan văn hóa, xã Tản Lĩnh đã trình diễn hai tiết mục văn nghệ đặc sắc, nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả. Bà Bùi Thị Ánh Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tản Lĩnh bày tỏ, thông qua Liên hoan văn hóa và các hoạt động ý nghĩa, cộng đồng đã được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Qua đó, nhiều chị em phụ nữ trong các hộ gia đình dân tộc thiểu số đã nhận được sự tôn trọng từ cộng đồng, gia đình.
Bà Ánh Hoa cũng cho biết, bên cạnh chương trình Liên hoan văn hóa, trong thời gian qua, xã Tản Lĩnh đã tổ chức nhiều lớp truyền thông và hội nghị nhằm hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới cũng như phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Trong thời gian tới, bà mong muốn Hội LHPN TP Hà Nội triển khai thêm nhiều lớp tập huấn và các chương trình tư vấn thiết thực, giúp bà con hiểu sâu hơn về ý nghĩa và tầm quan trọng của bình đẳng giới. Có như vậy, công tác bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được lan tỏa rộng rãi, tạo sự đồng cảm, thấu hiểu và thúc đẩy những chuyển biến tích cực trong cộng đồng.