Rạng sáng một ngày giữa tháng 11/2017, tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện (BV) Đống Đa, Hà Nội “chạy đôn chạy đáo” xin ý kiến lãnh đạo. Còn lãnh đạo thì liên tục xin ý kiến cấp trên khi tiếp nhận một bệnh nhân cấp cứu. Thậm chí giữa người nhà và các y bác sĩ đã to tiếng. BS Phạm Bá Hiền, Phó giám đốc BV cho biết đang gặp tình huống hiếm thấy.
Nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân khác
Chuyện là một bệnh nhân (50 tuổi, ngụ Hoàn Kiếm, Hà Nội) được chuyển tới BV trong tình trạng suy thận. Sau khi xem bệnh án và tiến hành khám, các bác sĩ được biết nam bệnh nhân đã điều trị bệnh HIV/AIDS bằng thuốc kháng vi rút (ARV) tại Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư nhiều năm qua. Gần đây bệnh nhân bị suy thận kéo dài trên nền cơ thể bị suy giảm miễn dịch, được chỉ định xuống BV Thận Hà Nội để lọc máu chu kỳ.
Mặc dù đã thực hiện được kỹ thuật chạy thận nhân tạo và lọc máu qua màng bụng nhưng BV Thận Hà Nội lại “đẩy” bệnh nhân đến đơn vị cùng cấp là BVĐK Đống Đa. Tại đây các bác sĩ lại khuyên gia đình chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì chưa có hệ thống lọc máu chu kỳ dành riêng cho người nhiễm HIV.
Trường hợp không chuyển viện chỉ còn cách điều trị nội khoa (uống thuốc) kết hợp với phương pháp lọc máu liên tục rất tốn kém. Quá mệt mỏi khi các bệnh viện “đá quả bóng chuyển tuyến”, nhiều người thân của bệnh nhân bức xúc.
Anh trai của bệnh nhân nêu ý kiến: “Tôi rất chia sẻ với Bệnh viện Đống Đa. Gia đình sẽ cùng với bệnh viện để thống nhất hướng điều trị. Tuy nhiên ngành y tế cần có đơn vị chạy thận dành riêng cho người nhiễm HIV để họ có thể được chạy thận như bao bệnh nhân khác. Nếu không em trai tôi biết đến đâu để chạy thận bây giờ?”.
Thạc sĩ, BS Hồ Xuân Nam- Phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, BV Đống Đa cho biết cơ sở y tế này có một số máy lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân suy thận mãn tính. Tuy nhiên BV không thể chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân HIV vì nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân khác rất cao qua đường nước hoặc máu bám vào thiết bị, ông giải thích:
“Nếu có hệ thống nước riêng, máy riêng phục vụ cho bệnh nhân HIV suy thận thì không ảnh hưởng gì. Nếu sử dụng chung máy lọc máu với các bệnh nhân khác, nguy cơ lây nhiễm hoàn toàn có thể”.
BS Nam dẫn chứng qua thực tế cho thấy mặc dù đã sử dụng máy riêng, khu vực rửa quả lọc riêng nhưng vẫn có trường hợp lây nhiễm viêm gan B, C trong quá trình lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân suy thận kèm theo viêm gan virus.
BS Nam cho rằng trong trường hợp bệnh nhân HIV suy thận mà chưa có hệ thống lọc máu riêng thì giải pháp tối ưu nhất là phương pháp lọc màng bụng. Phương pháp này bơm dịch vào ổ bụng, sử dụng màng bụng của người bệnh làm màng lọc thay thế cho thận suy để lọc các chất chuyển hóa, nước, điện giải ra khỏi cơ thể người bệnh và giúp cân bằng nội môi.
Lọc màng bụng tránh nguy cơ lây các bệnh truyền nhiễm, người bệnh có thể tự thực hiện ở nhà. Tuy nhiên chi phí lọc máu cao, chưa nhiều cơ sở y tế được cấp phép thực hiện phương pháp này.
Giải pháp khác mang tính tạm thời là lọc máu liên tục với hệ thống máy móc riêng biệt. Tuy nhiên phương pháp này thường chỉ áp dụng cho bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, một số ít trường hợp suy thận. Chi phí hơn chục triệu đồng/lần là quá cao nên không phải bệnh nhân nào cũng được lọc máu liên tục.
Thạc sĩ, BS Hồ Xuân Nam- Phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo, BV Đống Đa |
“Bài toán” bị né tránh
Cùng chia sẻ vấn đề, TS Nguyễn Hữu Dũng (Trưởng khoa Thận nhân tạo- Bệnh viện Bạch Mai) cho hay: Cách đây 16 năm, khoa từng lọc máu chu kỳ cho 2 bệnh nhân HIV. Khi đó, phải bố trí một hệ thống nước và máy lọc riêng để không lây nhiễm chéo. Tuy nhiên ít năm sau do không còn bệnh nhân HIV nào đến chạy thận, trong khi tình trạng quá tải bệnh nhân tại khoa ngày càng lớn nên không còn duy trì phòng chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân HIV nữa.
Cũng theo BS Dũng, Việt Nam có nhiều cơ sở điều trị cho bệnh nhân HIV nhưng chưa có cơ sở nào lọc máu chu kỳ cho bệnh nhân HIV suy thận. Cách đây 2 năm, BV Bạch Mai đã có văn bản báo cáo Bộ Y tế về khả năng lây nhiễm trong lọc máu rất cao nên không thể lọc máu tập trung cho bệnh nhân HIV suy thận tại khoa thận nhân tạo:
“Yêu cầu đảm bảo vô trùng trong chạy thận nhân tạo rất cao. Trong điều kiện cho phép thì vẫn có thể thành lập một phòng riêng, máy riêng, hệ thống nước riêng. Tuy nhiên quả lọc, dây máy phải dùng một lần, kéo theo chi phí sẽ tăng lên gấp 3 lần”, BS Dũng nói.
Theo tìm hiểu của PV, mới đây BV 09 Hà Nội (đơn vị chuyên điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS) đã có tờ trình gửi Sở Y tế Hà Nội về việc thành lập đơn nguyên thận nhân tạo để tiếp nhận bệnh nhân HIV suy thận. Tuy nhiên, kế hoạch đến nay vẫn “nằm trên giấy”. Bác sĩ Vũ Đức Phê, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV 09 Hà Nội xác nhận: Sau khi có cuộc họp giữa BV 09 với phòng nghiệp vụ y của Sở, đơn vị này đã gửi tờ trình từ tháng 7/2017 nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.
Qua khảo sát của PV, hầu hết bác sĩ tại nhiều cơ sở y tế đều biết rõ thực trạng người nhiễm HIV/AIDS suy thận rất khó khăn khi chạy thận nhân tạo. Vấn đề không mới nhưng rất ít được nhắc tới.
Trả lời báo chí, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: Người nhiễm HIV hoàn toàn có thể được thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, cơ sở y tế cần đảm bảo 2 nguyên tắc: Điều trị cho bệnh nhân nhưng cần đảm bảo nguyên tắc an toàn cho các bệnh nhân khác:
“Chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để có giải pháp để đảm bảo 2 điều kiện đó. Cũng phải nói thêm rằng, khi tiến hành chạy thận nhân tạo cho bệnh nhân HIV với phòng riêng, máy móc riêng thì chi phí sẽ tăng lên, nhưng cho dù gặp khó khăn thì vẫn phải có giải pháp để thực hiện”, ông Cảnh nêu quan điểm.